TP Hà Nội giao hàng chục hecta “đất vàng” cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh sau nhiều tai tiếng?

(NTD) - Vừa qua UBND TP. Hà Nội vừa giao cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh 20 ha “đất vàng” quận Hoàng Mai để đổi lấy 2,6km đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 Gamuda Garden theo dự án BT với tổng số vốn đầu tư gần 990 tỷ đồng. Điều này đã khiến dư luận dấy lên nhiều nghi vấn?

Thời gian gầy đây, báo Người tiêu dùng nhận được thông tin về việc UBND TP Hà Nội chủ trương đổi hàng trăm ha đất cho các doanh nghiệp xây dựng các tuyến đường tại Hà Nội theo hình thức BT đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Với hình thức đầu tư BT, nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng đường và đổi lại được UBND TP Hà Nội giao quỹ đất có giá trị tương ứng để phát triển các dự án bất động sản. Tuy nhiên, việc đổi đất để thực hiện dự án đang khiến dư luận lo lắng về việc Hà Nội đã để thất thoát thêm hàng nghìn tỷ đồng vào túi doanh nghiệp.

Gần 50% diện tích khu đất đã được san lấp và sử dụng làm bãi đỗ xe.

Đặc biệt, thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh mới đây được trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án xây dựng tuyến đường có chiều dài 2,6km từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 Gamuda Garden, với kinh phí 989 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).

Để đổi lại, Hà Nội cho phép Tân Hoàng Minh được khai thác quỹ đất có quy mô rộng khoảng 20ha. Được biết Khu đất này tọa lạc tại một vị trí đắc địa, nằm ở trung tâm quận Hoàng Mai, giữa hai điểm giao cắt là đường Tam Trinh và đường Lĩnh Nam.

Khảo sát thực tế cho thấy, giá đất tại khu vực này giao động từ 40 đến 60 triệu đồng/m2. Đó là chưa kể đến những vị trí đắc địa, cạnh đường lớn, giá có thể lên đến 100-200 triệu đồng/m2.

Phần khác vẫn là ruộng, hoa màu và bụi rậm.

Như vậy, tính ra Tân Hoàng Minh chỉ phải trả khoảng 5 triệu đồng cho mỗi m2 đất được thanh toán theo hợp đồng BT. Thực tế này đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất nói trên liệu có đảm bảo nguyên tắc ngang giá?

Ở Hà Nội, nhắc đến Tân Hoàng Minh thì người ta sẽ liên tưởng đến một chủ đầu tư BĐS với những dự án BĐS siêu sang nằm ở những vị trí đắc địa, đi kèm với đó là những sai phạm, những “tai tiếng, lùm xùm”.

Đơn cử như dự án D’. Palais De Louis - Nguyễn Văn Huyên (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) bị chỉ ra với nhiều sai phạm và bị chậm tiến độ; Hay mới đây là dự án D’. El Dorado II nằm ngay ngã tư đường Võ Chí Công - Nguyễn Hoàng Tôn (Hà Nội), được các sàn phân phối chính thức dự án nhận tiền đặt cọc, ký quỹ của khách hàng khi chưa đủ điều kiện mở bán, khiến dư luận hoài nghi về năng lực tài chính của CĐT.

Dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao một doanh nghiệp không có kinh nghiệm làm giao thông, với những dự án bất động sản chậm tiến độ, CĐT có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án BT nghìn tỷ?. Ngoài ra, về năng lực của mình trong xây dựng, CĐT Tân Hoàng Minh vẫn để lại nhiều ấn tượng xấu với hàng loạt các “tai tiếng” tại các dự án bất động sản? Không hiểu vì lý do gì một doanh nghiệp bất động sản với nhiều sai phạm như thế song vẫn được lãnh đạo Hà Nội phê duyệt chủ trương thực hiện dự án BT khủng như hiện nay. Nếu như đó không phải sự ưu ái thì ắt hẳn phải có lý do chính đáng?

Báo Người tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin!

Hàng loạt sai phạm tại các dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh Năm 2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận thanh tra 3 dự án xây chung cư trên địa bàn Hà Nội của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh với hàng loạt sai phạm.

Cụ thể, tại dự án chung cư Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) và Quảng An (Tây Hồ,Hà Nội), chủ đầu tư đã thẩm định công tác thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình chưa đúng mẫu theo quy định trước khi phê duyệt.

Tại dự án Hoàng Cầu và Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội), một số gói thầu thi công, biên bản nghiệm thu công việc căn cứ tiêu chuẩn xây dựng đã hết hiệu lực; thiếu một số thí nghiệm theo quy định hoặc kết quả thí nghiệm lập không đúng quy định.

Đặc biệt, ở một số gói thầu, cán bộ tư vấn giám sát không giám sát theo đề cương đã được chủ đầu tư chấp thuận và quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Nghiêm trọng hơn, tại 3 dự án nói trên, có 11 nhà thầu thi công không mua bảo hiểm theo cam kết của hợp đồng (dự án Hoàng Cầu 2 nhà thầu, dự án Nguyễn Văn Huyên 8 nhà thầu, dự án Quảng An 1 nhà thầu).

Ngoài ra, tại dự án Quảng An, khi nghiệm thu, thanh toán đã tính sai khối lượng; sai khác giữa biện pháp thi công trong đề xuất kỹ thuật so với đề xuất tài chính dẫn đến việc thanh toán chưa đúng khối lượng thực tế thi công giảm hơn 14 tỷ đồng.

Tạ Thành