Đài BBC News đưa tin ngày 19/12 (giờ VN), trên kênh truyền thông quốc gia, ông Maduro cho rằng Venezuela là nạn nhân của sự phá hoại ngầm từ quốc tế, khiến tờ 500 bolivar không được vận chuyển đúng thời gian, trong khi người dân xếp hàng dài trong nhiều ngày để nộp tiền cũ và đổi tiền mới. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa do tình trạng thiếu hụt tiền mặt, còn người dân không có lựa chọn nào khác ngoài thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Rất nhiều người đã không thể mua lương thực.
Theo tin từ Hiệp hội Báo chí, sự giận dữ từ công chúng đã dẫn đến các cuộc đụng độ ở sáu thành phố khác nhau vào hôm thứ Sáu 16/12 khiến 32 người bị bắt giữ và một bị thương. Tại Caracas, những người biểu tình vẫy tờ 100 bolivar và hô to “vô tác dụng”, sau đó bỏ chạy do cảnh sát sử dụng hơi cay để trấn áp.
Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố hoãn đổi tiền đến 02/01/2017 (Ảnh: Reuters). |
Trong bối cảnh hiện nay, thiệt thòi chính là những người dân thường Venezuela, với đồng lương mất giá từng phút, và là những người phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ chỉ để mua những món hàng căn bản nhất mà họ có thể trang trải nổi. Tại nước này, hiện trên thực tế có ba mức tỷ giá hối đoái khác nhau. Nếu ai đó nhập các mặt hàng như thực phẩm thiết yếu và thuốc men, mà lại quen đúng người trong chính phủ, thì người đó có thể mua USD với giá nhà nước kiểm soát, chỉ 10 bolivar một USD.
Những người khác được trợ giá để đổi tiền với loại tỷ suất thứ hai, cũng do nhà nước kiểm soát, hiện ở mức 670 bolivar ăn một USD. Thế nhưng ở chợ đen, thì tỷ giá đã lên tức mức khủng khiếp trong những tuần gần đây. Hồi tháng 10, 1.500 bolivar ăn một USD. Tới cuối tháng 11, tỷ giá đã là trên 4.000 bolivar. Đồng tiền Venezuela sau đó đã gượng lại chút ít, nhưng kể cả vậy vẫn là mất giá tới một nửa trên thị trường chợ đen so với vài tháng trước. Đồng 100 bolivar, là tờ tiền có mệnh giá cao nhất đang được lưu hành hiện nay, chỉ đáng giá hai xu Mỹ.
Người dân đập phá cửa hàng bánh vì không mua được lương thực (Ảnh: Reuters). Ngân hàng trung ương nay đang muốn phát hành các loại tiền giấy và tiền xu có mệnh giá lớn hơn, nhưng điều này cũng đang gặp trục trặc. Với việc tiền giấy trở nên gần như vô giá trị, các máy rút tiền tự động không thích ứng nổi - chúng chỉ có thể nhả ra số tiền tương đương vài USD mỗi lần. Cho nên ở nơi nào có máy ATM, thì cũng đều có hàng dài người xếp rồng rắn, trừ phi máy không hoạt động.
Dân vào cướp hàng hóa tại các siêu thị (Ảnh: Reuters) Không ai hiểu thực sự tình trạng lạm phát khủng khiếp tại Venezuela là gì. Chính phủ không còn công bố số liệu nữa. Hồi năm ngoái, mức lạm phát là 180%. Năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính là 500%, trong lúc GDP giảm 10%. Khó có thể hình dung bất kỳ nền kinh tế nào lại tồn tại được với tình thế đó.
Trước đây, ông Maduro tuyên bố sẽ bỏ tờ tiền giấy có mệnh giá 100 bolivar cao nhất nước này trong vòng 72 giờ, mục đích là để chống lại tình trạng tội phạm do mafia đa quốc gia ở Venezuela điều khiển. Cũng theo BBC News, dữ liệu từ ngân hàng trung ương cho thấy có hơn sáu tỷ tờ tiền giấy 100 bolivar đang được lưu hành, chiếm gần phân nửa toàn bộ giá trị tiền tệ nước này.
Đồng 100 bolivar hiện có giá 2 xu Mỹ trên thị trường chợ đen (Ảnh: AFP). |
Theo ông, các tờ tiền 100 bolivar sẽ không được đưa trở lại Venezuela, cho nên các băng nhóm tội phạm sẽ không thể đổi số tiền đã tàng trữ được, và chúng sẽ trở nên vô giá trị. Và việc này sẽ giúp chặn tình trạng các băng đảng tích trữ tiền. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, quyết định tương tự hồi tháng 11, theo đó hủy bỏ các tờ tiền giấy có mệnh giá cao, đã gây những xáo trộn nghiêm trọng, tác hại cho đến hiện nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại việc đổi tiền sẽ không có nhiều hiệu quả đối với các vấn đề về kinh tế và chính trị mà Venezuela đang đối diện. Lãnh đạo phe đối lập thì cho rằng Tổng thống Maduro đang phá hoại nền kinh tế và nên từ chức. Tình hình Venezuela trong những ngày tới sẽ còn căng thẳng.
Khánh Phương (Theo BBC News, 12/2016)