Tổng thống Trump kêu gọi kiểm tra biên giới “cẩn trọng”

(NTD) - Tổng thống Donald Trump cho biết ông khuyến cáo các quan chức biên giới về việc kiểm tra người vào Mỹ "rất cẩn trọng", trong lúc lệnh cấm đi lại vẫn bị tạm ngưng.

Đài BBC News đưa tin vào chiều 6/2 (giờ VN), ông Trump cho biết Tòa phúc thẩm liên bang "làm khó việc này", và sẽ bị khiển trách nếu có điều gì xảy ra. Được biết, Tòa phúc thẩm liên bang hôm 5/2 từ chối yêu cầu của chính quyền Trump đòi khôi phục lại lệnh cấm.

Lệnh cấm ảnh hưởng đến những người đến từ các quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo, đã bị thẩm phán liên bang ngăn chặn hôm 4/2. Việc này có nghĩa rằng chỉ thị của ông Trump sẽ vẫn bị “treo”,  và những người Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen có visa Mỹ sẽ được phép nhập cảnh vào Mỹ cho đến khi vụ việc được điều trần đầy đủ.

Tòa phúc thẩm cho Nhà Trắng và hai tiểu bang thách thức lệnh cấm của Tổng thống Trump hạn chót là hôm 7/2 để trình thêm các luận cứ. Hôm 6/2, Tổng thống Trump tiếp tục chỉ trích Thẩm phán James Robart, người chặn lệnh cấm và bộ máy tư pháp.

Trong một loạt dòng tweet, ông Trump viết: "Tôi chỉ thị cho Bộ An ninh nội địa kiểm tra người vào nước Mỹ RẤT KỸ. Không thể tin được một thẩm phán lại đặt nước Mỹ vào tình trạng nguy hiểm như vậy. Nếu có chuyện gì xảy ra, hãy khiển trách ông ta và hệ thống tòa án. Người ta đổ vào Mỹ. Thật tệ!".

Tổng thống Donald Trump nói ông tin rằng kháng cáo của chính quyền Mỹ sẽ thành công (Ảnh: AFP)

Trước đó, ông Trump  mô tả phán quyết của Thẩm phán Robart là "nực cười", và nói ông này "người mang danh thẩm phán".

Trong bản kháng cáo, Bộ Tư pháp lập luận rằng chỉ có Tổng thống mới có quyền quyết định ai có thể nhập cảnh hoặc ở lại Mỹ. Hai tiểu bang thách thức lệnh cấm - Washington và Minnesota,  lập luận rằng lệnh cấm này là vi hiến. Nó cũng vi phạm quyền tự do tôn giáo khi nhắm mục tiêu người Hồi giáo.

Phóng viên BBC News tại Washington Anthony Zurcher, nhận định: "Bước tiếp theo là hồ sơ phải được đệ trình bởi cả hai bên để xem xét chính thức việc Thẩm phán  Robart đình chỉ lệnh cấm hôm 4/2. Bộ Tư pháp có thể kháng cáo trực tiếp đến Tòa án Tối cao trong trường hợp khẩn cấp. Nếu phiên điều trần quyết định việc treo lệnh cấm là hợp lệ, việc kháng cáo lên Tòa án Tối cao gần như sẽ xảy ra”.

“Trong khi đó, thủ tục di trú Hoa Kỳ tiếp tục như trước khi ông Trump ban hành sắc lệnh. Nếu sắc lệnh gặp trở ngại, Tổng thống có thể sẽ sửa đổi, thay vì cố bảo vệ tính hợp hiến của nó. Đó có thể là động thái khôn ngoan của ông".

                                                                                                                Anh Dũng (Theo BBC News, 2/2017)

Nên đọc