Tổng thống Trump: “Điệp viên bị Nga kiểm soát”?

(NTD) - Tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Trump - Putin ở Helsinki kết thúc, Tổng thống Donald Trump làm mọi người, kể cả các cố vấn thân cận, ngạc nhiên khi tỏ ra tin tưởng vào “kẻ thù” của mình và không tin kết luận của FBI hay CIA về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống đời thứ 45 của Hoa Kỳ năm 2016 mà ông được đắc cử. Và trước sức ép mạnh mẽ của các nghị sĩ trong nước, ông Trump đã đảo ngược phát biểu của mình…

Các cố vấn của Trump đã mất gần bốn tháng ròng để làm việc với Điện Kremlin về chương trình nghị sự của hội nghị Helsinki, gồm các vấn đế Triều Tiên, Syria, Ukraine, NATO, chống khủng bố cũng như sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016. Tại cuộc họp báo sau đó, ông Trump đã nói cuộc họp cấp cao mở ra “giai đoạn tốt đẹp” trong quan hệ Hoa Kỳ và Nga với các cuôc đối thoại “thẳng thẳn, cởi mở và hiệu quả”.

Tình hình còn gây cấn hơn khi hãng tin AP của Hoa Kỳ đặt câu hỏi rằng Trump “sẽ tin Putin hay các cơ quan tình báo và an ninh Hoa Kỳ, sẽ phản đối bàn tay sắt của Putin và cảnh cáo Putin không lập lại hành động tương tự”. Ông Trump đã không trả lời trọng tâm câu hỏi mà quay ra “đá ngược” khi tố cáo đảng Dân chủ và FBIâm mưu phá vỡ chiến thắng vang dội của ông trong kỳ bầu cử năm 2016...

 

Quả bóng ông Putin tặng ông Trump được đem ra mổ xẻ nhiều. Báo chí Hoa Kỳ nhắc lại các trường hợp nước Nga đã gài bọ nghe lén trong các món quà tặng cho quan chức ngoại giao Hoa Kỳ. (Ảnh: Reuters).

Không thể tưởng tượng được

Cuộc gặp cấp cao Trump - Putin diễn ra trong bối cảnh Bộ Tư pháp Hoa Kỳ bắt và truy tố 12 người được cho là gián điệp Nga can dự vào cuộc bầu cử năm 2016. Các nhà quan sát nói rằng lẽ ra ông Trump phải sớm hủy cuộc họp này.

Ông Trump quyết tâm dự họp và có những tuyên bố lật ngược ở Helsinki làm mọi người sửng sốt. Robert Deitz, cựu luật sư cấp cao của CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia, nói rằng “sốc không thể chịu được” khi nghe Trump phát biểu. “Chúng ta giờ đã quá quen với Trump khi nghe phát biểu, nó thường tệ hơn điều mọi người thường nghĩ. Nhưng làm việc này trước mặt nhà lãnh đạo của một đất nước không thân thiện, không phải là đồng minh thì… không thể tưởng tượng được” - Deitz nói.

William Pomeranz, Phó Giám đốc Viện Kennan chuyên nghiên cứu về nước Nga của Trung tâm Woodrow Wilson, cũng cùng quan điểm trên. Ông nói Trump đã không tin vào cơ quan tình báo của đất nước mình mà lại tin vào Putin. Trump đã không lên tiếng khi đối diện Putin mà lại không truy vấn và phản đối sự can thiệp của người Nga trong kỳ bầu cử vừa qua.

“Chúng ta chưa bao giờ có một tổng thống nào ra nước ngoài mà không chỉ dạy đời cho các đồng minh NATO mà còn làm cho họ bẽ mặt. Chúng ta chưa từng có một tổng thống nào đi công du nước ngoài lại gọi đồng minh của chúng ta là kẻ thù. Và chúng ta cũng chưa từng có một tổng thống nào họp báo với nguyên thủ Nga mà lại đổ lỗi cho cả hai phía, trên quan điểm của ông ấy, nhưng thực ra lại dành phần lớn thời gian buộc tội Bộ Tư pháp và các cơ quan tình báo Mỹ” - Pomeranz nhận xét gay gắt về Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ.

Hai phái đoàn Mỹ - Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh. (Ảnh: AFP).

Chưa Tổng thống Hoa Kỳ nào gây tổn hại như ông Trump

Cáo buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel “bị nước Nga kiểm soát”, chế giễu các đồng minh NATO và yêu cầu họ tăng thêm ngân sách quốc phòng, gọi đối thủ chính trị của Thủ tướng Anh đương nhiệm Theresa May sẽ là “thủ tướng tuyệt vời”… ông Trump đạt đỉnh điểm khi gọi Liên hiệp châu Âu (EU) là “kẻ thù địa chính trị duy nhất của Hoa Kỳ”.

Nhưng ông đã làm cả đất nước cờ hoa giận run khi nói điều tra của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về sự can thiệp của Nga là “thảm họa của đất nước chúng tôi”. Trước sức ép mạnh mẽ trong nước, 24 giờ đồng hồ sau đó, Trump đã đổ lỗi cho “nói nhầm” - hiểu sai về ngữ pháp, nhưng vẫn giữ vững niềm tin của mình vào ông Putin.

“Chỉ đứng đó và bán rẻ đất nước ở nước ngoài trước mặt kẻ thù - chưa hề có tiền lệ cho một hành vi nhục nhã và mất lý trí như vậy” - ông Douglas Brinkley, một sử gia về Tổng thống Hoa Kỳ và là Giáo sư tại Đại học Rice danh tiếng, nhận định.

Glenn Carle, một cựu điệp viên dày dặn của CIA nói rằng Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ đã quá nhân nhượng nước Nga và có vẻ bị xỏ mũi. “Ông ta hành xử như là một điệp viên bị kiểm soát. Và rõ ràng là con cáo đang nằm trong chuồng gà” - Carle nhận xét về Tổng thống Donald Trump.

Hồ Nguyên Thảo

 
Nên đọc