Hơn 3 năm vẫn chưa thể thu được thuế
Theo văn bản số 3158 của Tổng cục Thuế, công văn số 2529 (ban hành ngày 7/6/2016) về việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của Uber tại Việt Nam sẽ không còn giá trị. Lý giải vấn đề này Tổng cục Thuế cho rằng đợi hướng dẫn cụ thể hơn từ Bộ Tài chính. Thời gian tới, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn mới liên quan đến chính sách thu và quản lý thu đối với Công ty Uber tại Việt Nam.
Theo hướng dẫn vừa bị hủy của Bộ Tài chính, loại hình kinh doanh của Uber được xếp vào danh mục ngành nghề kinh doanh khác trong hệ thống mã ngành kinh tế ở Việt Nam. Uber được xác định là doanh nghiệp nước ngoài cung cấp giải pháp công nghệ cao cho các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận tải tại Việt Nam.
Hơn 3 năm nhưng Tổng Cục thế vẫn chưa thể đưa ra biện pháp hữu hiệu để thu thuế đối với Uber |
Do chưa có sự hiện diện pháp lý chính thức tại Việt Nam nên theo quy định về pháp luật thuế, Uber là nhà thầu nước ngoài và sẽ có nghĩa vụ phải nộp thuế nhà thầu đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam. Loại thuế này được tính theo tỷ lệ % trên doanh thu.
Theo đó, Tổng Cục Thuế đã hướng dẫn, doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của Uber sẽ là phần doanh thu nhận được từ các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ vận tải theo tỷ lệ thỏa thuận chia sẻ doanh thu giữa hai bên. Còn đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ vận tải hành khách trên cơ sở ứng dụng Uber thì doanh thu tính thuế chính là toàn bộ tiền cước vận chuyển hành khách.
Thế giới mạnh tay với Uber
Không những về nghĩa vụ tài chính còn rất ỡm ờ, ứng dụng của Uber khi du nhập vào thị trường các nước đã vấp phải một sự phản đối mạnh mẽ từ giới tài xế, các doanh nghiệp sở tại. Mỗi nước khác nhau thì Chính phủ đều có một chiến lược quản lý khác nhau đối với ứng dụng này.
Tại Hungary, giới tài xế taxi truyền thống đã nhiều lần tổ chức biểu tình phản đối hãng taxi giá rẻ Uber đang dần chiếm lĩnh thị trường của họ. Những lái xe truyền thống cho rằng ứng dụng Uber không phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt mà họ đang phải tuân thủ, điều đó tạo nên một sự bất bình đẳng.
Chính phủ Hungary cũng đã xem xét và thông qua dự luật mới hạn chế các dịch vụ và qua đó đình chỉ hoạt động của Uber vô thời hạn kể từ ngày 24/7.
Dự luật này cho phép các cơ quan truyền thông trên đất nước Hungary có quyền chặn truy cập internet đối với "các dịch vụ điều phối bất hợp pháp”.
Uber bắt đầu gia nhập thị trường Hungary từ năm 2014, cho tới trước khi bị cấm, ứng dụng này đã thu hút sự tham gia của khoảng 1.200 tài xế và 160.000 người dùng tham gia sử dụng. Chính phủ Hungary đã đưa ra những quy định khiến những lái xe tham gia mạng lưới của Uber có thể bị thu giữ bằng lái đến 3 năm.
Trước động thái trên của Chính phủ Hungary, phía Uber khẳng định lệnh cấm trên chỉ là một biện pháp tạm thời, họ đang liên hệ với các nhà điều hành chính sách để có thể sớm mở lại hoạt động.
Không những ở Hungary, mới đây, ngày 20/7, Hạ viện Pháp đã thông qua một dự luật mới, trong đó thắt chặt quy định về cấp phép cho các tài xế tham gia cung cấp dịch vụ đặt xe trên cả nước, với mục tiêu kiểm soát tối đa phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này như Uber Technologies và cũng là để trấn an các hãng taxi truyền thống.
Pháp từng là thị trường lớn nhất châu Âu của Uber nhưng giờ thì éo le thay, nơi đây lại trở thành một trong những địa bàn nhức nhối nhất.
Dự luật mới sẽ áp đặt hàng loạt điều kiện đối với dịch vụ đặt xe tương tự như Uber và về cơ bản sẽ loại bỏ hiệu lực của loại giấy phép lái xe mà 1/3 số tài xế của những công ty này đang sử dụng. Theo đó, loại giấy phép vốn được cấp khá dễ dãi này chỉ được sử dụng trong thành phố, cho xe từ 10 chỗ trở lên. Như thế chẳng khác nào đánh đố cánh tài xế, vì họ toàn lái xe cá nhân 4, 5 chỗ ngồi.
Dù phải chờ Thượng viện Pháp thông qua thì dự luật trên mới chính thức có hiệu lực, nhưng từ lúc này, nó đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa bất đồng giữa một bên là các công ty công nghệ với bên kia là Chính phủ các nước, về việc làm thế nào để kiểm soát và điều chỉnh hành vi trong nền kinh tế số, đặc biệt là sau sự xuất hiện của những ứng dụng mới như Uber hay Airbnb, với giá cả thấp hơn hẳn các dịch vụ vận tải và lưu trú truyền thống vốn phải tuân thủ nhiều chế tài pháp luật.
Làn sóng biểu tình chống Uber ở Pháp của giới tài xế. |
Đây cũng là dự luật thứ hai kể từ năm 2014 mà giới lập pháp của đất nước hình lục lăng đề xuất, nhằm kiềm chế Uber và các công ty tương tự, sau khi các công tố viên Pháp vận dụng đạo luật đầu tiên để khép Uber và hai Giám đốc điều hành - Pierre Dimitri Gore Coty và Thibaud Simphal - vào tội vi phạm quy định về giao thông vận tải và bảo mật, với mức phạt khoảng 964.000 euro.
Theo giới chức Pháp, Uber và các công ty trong lĩnh vực của mình đã tìm cách luồn lách luật pháp sở tại, cố tình phớt lờ các quy định giảm mật độ giao thông và bảo đảm an toàn cho lái xe. Đó là lý do mà chính quyền phải ban hành thêm luật mới để bịt lỗ hổng về giấy phép lái xe đã và đang bị lợi dụng để biến bất kỳ ai thành tài xế, làm thị trường trở nên bát nháo, khiến giá cước và thù lao của lái xe giảm đi trông thấy.
Hiện nay, nhiều người sử dụng dịch vụ taxi phi truyền thống như Uber, Grab đã “kêu trời” khi các dịch vụ này thoải mái tung chiêu tăng cước vào những giờ người tiêu dùng có nhu cầu đi lại tăng cao. Bên cạnh đó các dịch vụ này cũng “chớp thời cơ” trời mưa để tăng giá. Giá có thể đội lên từ gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp 4, 5 lần giá các dịch vụ này niêm yết tùy vào thời điểm. Một số khách hàng cho rằng, bình thường họ để giá thấp nên phải tranh thủ “thời cơ” để tận thu bù lại!
Gia Huỳnh