Tình trạng loạn giá sữa và trách nhiệm quản lý nhà nước

(NTD) - Hiện nay, nhiều cửa hàng tại TP.HCM bán sữa với mức giá cao hơn mức giá trần đã đăng ký mặc dù Bộ Tài chính đã có thông báo về mức giá trần bán lẻ theo quy định đối với các loại sữa, đặc biệt là sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Mỗi cửa hàng bán một giá

Qua tìm hiểu một số cửa hàng sữa trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi ghi nhận được một thực tế đang diễn ra. Đó là giá bán lẻ sữa giữa các đơn vị bán hàng hoàn toàn không thống nhất. Cùng một loại sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nhưng giá bán tại cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.1) và cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) lại khác nhau.

Hay một số cửa hàng tại khu vực Q.Tân Bình, sản phẩm Dialac Alpha 123 HT, loại 900 g của Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk được bán ra với giá 186.000-190.700 đồng/hộp, trong khi giá bán lẻ ở cửa hàng sữa trên đường Bàu Bàng (Q.Tân Bình) lại có giá 176.000 đồng/hộp.

Đối với Sữa Nan 1 của Nestle loại 800 g được bán ra với giá 390.000 đồng/hộp, trong khi giá bán lẻ ở nhiều cửa hàng khác chỉ ở mức 371.000 đồng/hộp.

Giá một hộp sữa Nan Pelargon loại 400g tại cửa hàng sữa trên đường 3 Tháng 2 (Q.10) là 240.000 đồng/hộp. Tôi hỏi chủ cửa hàng sữa này có giảm giá không, vì ở một cửa hàng sữa khác, giá của một hộp Nan Pelargon loại 400 g chỉ có 217.000 đồng/hộp. Lúc này, người chủ cửa hàng chia sẻ, giá sữa của cửa hàng đã bao gồm ưu đãi và chiết khấu nên không bán khác giá đã đưa ra.

Người chủ cửa hàng này còn nói thêm với tôi, sữa ở đây được lấy từ công ty sữa chính hãng nhưng các công ty sữa lại không thể trực tiếp đến tất cả các đại lý để kiểm kê số lượng sữa đã bán hoặc tồn đọng nên việc bán sữa ra thị trường với giá chênh lệch nhau là do sự tính toán của các chủ cửa hàng không muốn bị thua lỗ.

Ngoài ra, giá được bán chênh lệch ở ngoài thị trường còn do nhiều chủ cửa hàng sữa bị gánh nặng về chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên, công tác vận chuyển…

Các cơ quan quản lý thị trường sẽ tăng cường áp dụng những biện pháp kiểm soát đối với việc đăng ký và niêm yết giá sữa trên thị trường.

Không để người bán trục lợi

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho rằng quy định mới sẽ tập trung vào quản lý giá bán lẻ, vì đây mới là mức giá mà người tiêu dùng tiếp cận. Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sữa phải khai báo về hệ thống phân phối để cơ quan quản lý giám sát giá bán trên thị trường.

Mặt khác, các doanh nghiệp phải gắn trách nhiệm với nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa của mình đến người tiêu dùng cuối cùng.

Thông qua việc áp dụng thực hiện Thông tư 08/2017-TT-BCT về công khai, minh bạch, sữa sẽ không có chuyện tăng giá đột biến bởi Bộ Công thương đã quy định rõ về việc đăng ký giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Đây là điểm khác biệt với cách quản lý trước đây, tránh tình trạng mỗi nơi phân phối bán lẻ một giá, thậm chí đội giá quá cao.

Không chỉ vậy, hệ thống đại lý phân phối bán lẻ sữa, nếu tăng giá cũng phải kê khai và chịu trách nhiệm trước kiến nghị của mình.

Về phía Bộ Công thương, lãnh đạo bộ này cho biết trong thời gian tới, các doanh nghiệp sẽ tiến hành tự quản lý hệ thống phân phối sản phẩm của mình. Đáng chú ý nhất là vấn đề kiểm soát giá trong mạng lưới. Theo đó, các cơ quan quản lý thị trường sẽ tăng cường áp dụng những biện pháp kiểm soát đối với việc đăng ký và niêm yết giá sữa trên thị trường. Cụ thể, giá từng loại sữa bán ra sẽ được kiểm soát chặt chẽ và không để tiếp tục tình trạng bất nhất về giá.

 Bùi My

 

 
Nên đọc