Tiêu chuẩn về mua sắm bền vững

(CL&CS)- Mua sắm bền vững đòi hỏi phải đưa ra các quyết định mua hàng đáp ứng nhu cầu của tổ chức theo cách có lợi cho bản thân tổ chức, cho xã hội và môi trường. Nó liên quan đến việc đảm bảo rằng các nhà cung cấp của công ty hành xử có đạo đức, rằng các sản phẩm và dịch vụ được mua là bền vững và các quyết định mua hàng giúp giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường.

Ảnh minh họa.

Hoạt động mua sắm đóng một vai trò lớn trong bất kỳ tổ chức nào, dù lớn hay nhỏ. Tổ chức mua hàng của ai cũng có tác động lớn đến hiệu quả hoạt động của tổ chức giống như những gì tổ chức mua. Việc đảm bảo các nhà cung cấp có các thực hành lành mạnh và có đạo đức - trên tất cả mọi mặt từ điều kiện làm việc và quản lý rủi ro đến tác động môi trường - có khả năng không chỉ làm cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn mà còn cải thiện cuộc sống của mọi người trong cộng đồng tại địa phương.

Mua sắm bền vững đòi hỏi phải đưa ra các quyết định mua hàng đáp ứng nhu cầu của tổ chức theo cách có lợi cho bản thân tổ chức, cho xã hội và môi trường. Nó liên quan đến việc đảm bảo rằng các nhà cung cấp của công ty hành xử có đạo đức, rằng các sản phẩm và dịch vụ được mua là bền vững và các quyết định mua hàng giúp giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường.

MUA SẮM VÌ MỘT THẾ GIỚI TỐT ĐẸP HƠN

Hãy hình dung một thế giới nơi mọi sản phẩm và thiết bị đều thân thiện với môi trường, nơi mọi mặt hàng trong siêu thị đều được giao thương công bằng, nơi tham nhũng là một huyền thoại đô thị và nghèo đói là một ký ức xa vời. Điều này thật khó tưởng tượng nhưng xét về khía cạnh kỹ thuật thì nó hoàn toàn có thể xảy ra… nếu mọi người tuân thủ mua sắm bền vững.

Con người cần nhận thức rằng mọi quyết định mua hàng mà chúng ta đưa ra đều có tác động đến môi trường, kinh tế và xã hội, từ năng lượng chúng ta sử dụng để cung cấp cho máy tính cá nhân đến những điều kiện của những người lao động làm ra quần áo, đồ dùng... Tổ chức mua gì và mua từ ai có thể có những tác động sâu rộng, không chỉ đối với chuỗi cung ứng và người tiêu dùng cuối cùng, mà còn đối với cộng đồng rộng lớn hơn, bị ảnh hưởng bởi các phân đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng đó.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dừng lại để nhìn nhận thấu đáo ảnh hưởng của các quyết định mua hàng của mình? Nếu các tổ chức khu vực công và tư nhân dành thời gian để đảm bảo việc mua hàng của tổ chức phản ánh các mục tiêu rộng lớn hơn liên quan đến hiệu quả sử dụng tài nguyên, biến đổi khí hậu, trách nhiệm xã hội và khả năng phục hồi kinh tế, chúng ta chắc chắn có thể mong đợi đạt được mục tiêu giảm đói nghèo, cải thiện quyền con người và giảm thiểu tác động tiêu cực của con người đối với môi trường.

Tên gọi của loại hình này là mua sắm bền vững và nó có nghĩa là đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ chúng ta mua sắm đạt được giá trị đồng tiền với tác động môi trường thấp nhất và kết quả về mặt xã hội tích cực nhất. Điều này được thực hiện bằng cách xem xét các tác động môi trường, xã hội và kinh tế của các quyết định mua sắm.

Mua sắm chiếm một phần lớn trong ngân sách của bất kỳ tổ chức nào. Riêng trong khu vực công, mua sắm chiếm khoảng 12% GDP và 29% chi tiêu chính phủ ở các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Với những con số để phấn đấu như vậy, nghề mua sắm cần phải nâng tầm cuộc chơi lên hơn bao giờ hết - và một tiêu chuẩn mới về mua sắm bền vững đã ra đời để có thể giúp hiện thực hóa điều đó.

VÌ SỰ TỐT ĐẸP HƠN

Lấy cảm hứng từ khái niệm mua sắm vì một thế giới tốt đẹp hơn, nhiều chính phủ và doanh nghiệp đã đưa các chương trình mua sắm bền vững vào các hoạt động hàng ngày. Điều này đóng góp trực tiếp vào Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, bao gồm các mục tiêu thúc đẩy tính bền vững trong mua sắm của khu vực tư nhân và khu vực công.

Với chi tiêu cho mua sắm đạt hơn 17 tỷ USD mỗi năm, hệ thống Liên hợp quốc (LHQ) có tiềm năng đáng kể trong việc giúp chuyển dịch thị trường trong nước theo hướng đạt được các kết quả bền vững hơn. Thông qua sức mua đáng kể của mình, các tổ chức thuộc Liên hợp quốc có thể đưa ra các mục tiêu chính sách chính trong tất cả các lĩnh vực phát triển bền vững như: môi trường (cải thiện cacbon, hiệu suất năng lượng và hiệu quả sử dụng nước), xã hội (giảm nghèo và nâng cao năng lực) và kinh tế (thu nhập tốt hơn và tối ưu hóa chi phí).

Với mục tiêu này, Liên hợp quốc đã phát triển Thị trường toàn cầu của Liên hợp quốc (UNGM) làm cổng thông tin mua sắm chính cho các nhà cung cấp và nhân sự chịu trách nhiệm về mua sắm trong hệ thống các tổ chức của Liên hợp quốc. Nền tảng dễ sử dụng này tự hào có một chương trình mua sắm bền vững toàn diện với nhiều hướng dẫn dành cho nhân viên Liên hợp quốc, bao trùm mọi giai đoạn của chu trình mua sắm. Nền tảng này không chỉ đưa ra các tiêu chí về việc mua sắm bền vững nhiều sản phẩm và dịch vụ mà tổ chức mua vào, từ máy tính và sản phẩm vệ sinh đến văn phòng phẩm và phương tiện vận tải, nó còn cung cấp các quy tắc và quy định mà nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp phải tuân thủ để đủ điều kiện kinh doanh với một tổ chức thuộc Liên hợp quốc.

CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM

Ở phía bên kia, người tiêu dùng cũng đang nâng cao kỳ vọng về trách nhiệm đối với môi trường và thực hành đạo đức. Người tiêu dùng ngày càng mong muốn các sản phẩm bền vững hơn được làm từ nguyên liệu có nguồn gốc địa phương. Đối với một công ty nếu bỏ qua những yếu tố này thì sẽ có nguy cơ đánh mất danh tiếng và công việc kinh doanh.

Ông Antonino Serra Cambaceres, Giám đốc Vận động, Công bằng và Bảo vệ Người tiêu dùng, tại Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế, cho rằng mua sắm bền vững - hành động đảm bảo rằng mỗi tổ chức và mỗi giai đoạn trong chuỗi cung ứng đều đáp ứng các mục tiêu bền vững nhất định - đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi trên phạm vi rộng. Đối với người tiêu dùng, điều này có thể giúp vẽ nên một bức tranh rõ ràng hơn về tính bền vững và đảm bảo rằng lợi ích của việc tiêu dùng bền vững không chỉ nằm trong tay họ.

Antonino cho biết, mua sắm bền vững cũng giúp xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu và các sản phẩm và dịch vụ mà thương hiệu đó bán. Theo thời gian, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu hành động nhiều hơn và thậm chí khuyến khích người tiêu dùng tự hành động. Bởi vì người tiêu dùng cũng có trách nhiệm hiểu về hậu quả của việc tiêu dùng của họ. Do đó, họ cần được thông báo và tìm kiếm những nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ có cam kết về tính bền vững trong chuỗi sản xuất và phân phối. Không nên có sự phân biệt giữa ảnh hưởng của các sản phẩm với ảnh hưởng của cách thức sản phẩm được sản xuất ra.

Việc thúc đẩy các mô hình tiêu dùng bền vững là một trong những nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng được quy định trong Hướng dẫn Bảo vệ Người tiêu dùng của Liên hợp quốc và là yếu tố chính trong chính sách bảo vệ người tiêu dùng. Nó khuyến khích các quốc gia và các tổ chức quốc tế áp dụng các thực tiễn bền vững vào hoạt động của chính họ, từ đó có khả năng sẽ thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi hơn các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với môi trường của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Thực ra, một công ty chỉ có thể thực sự yêu cầu người tiêu dùng đưa ra lựa chọn tiêu dùng bền vững, khi chính công ty đó đang đưa ra những lựa chọn bền vững.

CÁCH TIẾP CẬN TIÊU CHUẨN

Nhu cầu của chính phủ, doanh nghiệp và xã hội về tính bền vững đã phát triển đến mức điều đó đang trở thành mục tiêu cốt lõi của nhiều tổ chức trên thế giới. Trong khi hầu hết các tổ chức chủ yếu dựa vào chuỗi cung ứng của mình để cung cấp các sản phẩm bền vững, việc thuyết phục các nhà cung cấp và đối tác tuân thủ các ràng buộc mới và thay đổi văn hóa và thực hành của họ là một thách thức không hề nhỏ. Tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên trên thế giới được ISO công bố ISO 20400, Mua sắm bền vững - Hướng dẫn, cung cấp hướng dẫn về việc thực hiện các mục tiêu bền vững thông qua chuỗi cung ứng. Bằng cách phân tích xem tính bền vững tác động như thế nào đến các khía cạnh khác nhau của hoạt động mua sắm - chẳng hạn như chính sách, chiến lược, tổ chức và quy trình - nhằm giúp các công ty đưa ra lựa chọn mua hàng tốt hơn thông qua việc thực hiện các quy trình mua sắm bền vững.

Nhiều người sẽ chỉ ra một cách chính xác rằng tính bền vững phải luôn là một phần của một chiến lược mua sắm tốt. Vậy ISO 20400 mang lại điều gì mà chúng ta chưa biết? Để bắt đầu, tiêu chuẩn không có mục đích đưa ra giải pháp “một kích thước phù hợp với tất cả”, mà cung cấp các khuôn khổ và công cụ quản lý có thể được áp dụng bởi tất cả các tổ chức, bất kể lĩnh vực, ngành nghề, quy mô và địa điểm. Trên thực tế, tiêu chuẩn này dành cho bất kỳ ai có đóng góp vào các quyết định mua sắm hoặc giao dịch với nhà cung cấp. Trong một số tổ chức, đây có thể bao gồm một số lượng lớn những người có thể làm việc trong các bộ phận khác nhau ở các quốc gia khác nhau và trên các múi giờ khác nhau.

Với sự kết hợp các điểm mạnh của chiến lược bền vững, quản lý rủi ro và mua sắm “truyền thống” hơn, ISO 20400 nhấn mạnh vai trò then chốt của chuỗi cung ứng giữa việc quản lý rủi ro bền vững và tận dụng các cơ hội bền vững. Phần nội dung về các nguyên tắc cơ bản đưa ra thảo luận về các nguyên tắc chính của mua sắm bền vững, bao gồm trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, tôn trọng quyền con người và ứng xử có đạo đức, cũng như tầm quan trọng sống còn của các khía cạnh này đối với sự thành công của tổ chức. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này cũng sử dụng các chủ đề cốt lõi về tính bền vững xã hội, được lấy từ tiêu chuẩn ISO 26000, Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội, để giúp các tổ chức lồng ghép chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong suốt chuỗi cung ứng bằng cách áp dụng các quy trình mua sắm và chuyên môn.

Cũng như tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, ISO 20400 là một tiêu chuẩn hướng dẫn chứ không phải là một tiêu chuẩn dùng để chứng nhận. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp không thể được chứng nhận về sự tuân thủ. Thay vào đó, mục đích là cung cấp một tiêu chuẩn cho hoạt động mua sắm có trách nhiệm đáp ứng sự đồng thuận toàn cầu và được toàn thế giới công nhận. Và mặc dù không thay thế luật pháp, nhưng tiêu chuẩn này cung cấp cơ sở cho việc tích hợp hiệu quả các mối quan tâm về tính bền vững vào hoạt động mua sắm và chuỗi cung ứng.

GIÁ TRỊ NẰM Ở TÍNH NHẤT QUÁN

Đối với việc ngày càng có nhiều công ty nỗ lực hướng tới sự bền vững, tiêu chuẩn ISO 20400 cung cấp chìa khóa để tinh chỉnh, điều tiết các thành tựu và mục tiêu bền vững của họ. Bằng cách sử dụng các kỹ thuật mua sắm phù hợp, các tổ chức có thể đưa các nguyên tắc bền vững vào quy trình mua sắm của mình theo cách mang lại giá trị đồng tiền. Tiêu chuẩn này cũng có thể giúp họ đáp ứng các yêu cầu quy định trong cả hiện tại và tương lai.

Được ban hành vào đầu năm 2017, tiêu chuẩn ISO 20400 đã thu hút được khá nhiều sự quan tâm, các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đang khẩn trương áp dụng các thông lệ tốt đề cập trong tiêu chuẩn. Ví dụ, tại Luân đôn, trong buổi ra mắt chính thức việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia BS ISO 20400: 2017, tiêu chuẩn do Cơ quan Tiêu chuẩn Anh, BSI, chấp nhận và công bố, nhà thầu hàng đầu của Vương quốc Anh Balfour Beatty đã được công bố là một trong những tổ chức đầu tiên hoàn thành việc đánh giá theo tiêu chuẩn ISO 20400.

Giá trị của tính nhất quán này thường bị đánh giá thấp, nhưng sự hiểu biết chung về mua sắm bền vững có nghĩa là các tổ chức trên toàn thế giới có thể bắt đầu một con đường chung hướng tới mức độ bền vững cao hơn. Staffan Söderberg, Phó Chủ tịch nhóm công tác xây dựng ISO 26000, Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội, đồng ý rằng mua sắm công và tư có thể giúp thế giới hàn gắn, chữa lành những tai ương về môi trường, thực hành lao động phi đạo đức và vấn nạn tham nhũng. Ngay cả khi chỉ một số lượng nhỏ các tổ chức tuân theo hướng dẫn trong ISO 20400, thì hiệu quả của chuỗi cung ứng sẽ theo cấp số nhân và tạo ra sự khác biệt cho thế giới chúng ta đang sống.

Việc khuyến khích áp dụng rộng rãi hơn các thực hành mua sắm bền vững đưa chúng ta tiến thêm một bước nữa tới một thế giới bền vững hơn. Và điều đó có nghĩa là từ chối bất kỳ sự thay thế nào. Staffan nói: “Tôi không hiểu tại sao tôi, với tư cách là người tiêu dùng, phải lựa chọn giữa ít bền vững hơn và bền vững hơn. Tôi chỉ muốn hàng hóa và dịch vụ bền vững và hy vọng ISO 20400 sẽ góp phần hướng tới tương lai đó”.

Năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12874 (hoàn toàn tương đương với ISO 20400): Mua sắm bền vững - Hướng dẫn, giúp các tổ chức thực thi mua sắm bền vững, phát triển và thực hiện các chính sách và thực tiễn mua sắm bền vững mang lại lợi ích xã hội. Tiêu chuẩn cung cấp hướng dẫn cho các tổ chức trong cả nước mong muốn lồng ghép tính bền vững vào hoạt động mua sắm, không phụ thuộc vào hoạt động hay qui mô tổ chức. Được bổ sung bằng cách tập trung đặc biệt vào chức năng mua sắm, tiêu chuẩn này là một ứng dụng cụ thể của TCVN ISO 26000, Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào năm 2013 trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn tiêu chuẩn quốc tế ISO 26000.

TCVN 12874 (ISO 20400) VÀ CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Đối chiếu với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hiệp quốc, TCVN 12874 (ISO 20400) đóng góp vào 8 mục tiêu dưới đây.

Đối với mục tiêu 1 và 2 - Xóa nghèo; xóa đói thì đây là tiêu chuẩn sẽ giúp các tổ chức phát triển các thực hành mua sắm bền vững, mang lại lợi ích cho xã hội, khuyến khích hành vi có trách nhiệm xã hội và đạo đức, điều kiện làm việc cho công nhân nông nghiệp và thúc đẩy thực hành mua hàng có đạo đức trong toàn bộ chuỗi sản xuất thực phẩm. Sử dụng tiêu chuẩn sẽ giúp cải thiện giao tiếp giữa các nhà thầu và tất cả các bên liên quan và thúc đẩy mối quan hệ cùng có lợi. Nó cũng sẽ làm hài hòa chức năng mua sắm, giảm rủi ro trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như gián đoạn do thu hồi sản phẩm hoặc lỗi của nhà cung cấp, là công cụ hữu ích để thúc đẩy năng suất, tối ưu hóa chi phí và kích thích sự đổi mới trên thị trường

Đối với mục tiêu 5 - Bình đẳng giới: Bình đẳng giới là thành phần chính của trách nhiệm xã hội, việc trao quyền cho phụ nữ và quyền bình đẳng của phụ nữ trong xã hội được nhấn mạnh trong TCVN ISO 26000, Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội. TCVN 12874 (ISO 20400) dựa trên nền tảng của TCVN ISO 26000, dựa trên cùng các nguyên tắc và các chủ đề cốt lõi về quyền con người, thực hành lao động và thực hành kinh doanh công bằng. Tiêu chuẩn này sẽ giúp các cá nhân làm việc trong lĩnh vực mua sắm tích hợp các nguyên tắc về trách nhiệm xã hội như được mô tả trong TCVN ISO 26000 trong quá trình mua sắm, đồng thời giúp giảm tác động đến môi trường, giải quyết các vấn đề nhân quyền.

Đối với mục tiêu 8 - Việc làm tốt và tăng trưởng kinh tế: Tiêu chuẩn này cũng là công cụ cần thiết để thúc đẩy làm việc tử tế, giúp các công ty và tổ chức trên toàn thế giới bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của những người lao động, cũng là công cụ cần thiết để giảm các rào cản đối với thương mại quốc tế, quản lý quan hệ với nhà cung cấp, đồng thời hài hòa chi phí dài hạn và cải thiện hoạt động mua sắm hình thức, từ đó mang lại cho tổ chức lợi thế cạnh tranh.

Đối với mục tiêu 10 - Giảm bất bình đẳng: Hoạt động mua sắm của một tổ chức có thể đóng một vai trò quan trọng trong trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn giúp cho các doanh nghiệp và tổ chức có thể hoạt động theo cách có trách nhiệm với xã hội, bao gồm các nguyên tắc không phân biệt đối xử và cơ hội bình đẳng. Các chủ đề và vấn đề cốt lõi được xác định bởi tiêu chuẩn bao gồm thực hành lao động, các vấn đề của người tiêu dùng, tiêu chuẩn giúp cải thiện phúc lợi công cộng trong các lĩnh vực quan trọng như sức khỏe, an toàn và bảo vệ môi trường.

Đối với mục tiêu 12 - Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm:  Tiêu chuẩn này đưa ra các hướng dẫn giúp các tổ chức kết hợp tính bền vững vào chức năng mua sắm, giảm tác động đến môi trường, thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và khuyến khích các quyết định mua hàng có trách nhiệm góp phần vào tiêu dùng và sản xuất bền vững.

Đối với mục tiêu 16 - Hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh: Xã hội và thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và hòa nhập dựa vào quản trị tốt ở tất cả các cấp, từ các công ty nhỏ đến các công ty đa quốc gia và chính phủ. TCVN 12874 (ISO 20400) cũng sẽ giúp các tổ chức gắn kết tính bền vững vào các quy trình mua sắm, cải tiến các chương trình và hệ thống hiện có, dựa trên kiến thức chuyên môn và thực tiễn tốt nhất./.

TIN LIÊN QUAN