Tiêu chuẩn TCVN 14130:2024 về phục tráng các giống keo, bạch đàn bằng phương pháp nuôi cấy mô

(CL&CS) - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra các công đoạn phục tráng bằng phương pháp nuôi cấy mô cho các giống keo và bạch đàn theo TCVN 14130:2024 giúp cây giống sinh trưởng tốt, khỏe mạnh.

Giống phục tráng được giải thích tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 27/2021/NĐ-CP thì giống phục tráng là giống được nhân từ cây trội, cây đầu dòng chọn lọc lại từ giống đã được công nhận và được áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm duy trì, khôi phục các tính trạng ban đầu của giống gốc, khắc phục hiện tượng giống thoái hóa, giảm sút năng suất, chất lượng. Giống phục tráng được sử dụng để sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp bằng nuôi cấy mô.

Nuôi cấy mô tế bào thực vật là quá trình tách rời một bộ phận của thực vật, nuôi trong môi trường dinh dưỡng phù hợp, ở điều kiện vô trùng 100%, sau đó, mô tế bào ban đầu sẽ phát triển thành cây hoàn thiện. Cơ sở của phương pháp nuôi cấy mô dựa trên tính toàn năng của tế bào. Phương pháp nuôi cấy mô tế bào cần được tiến hành với các thành phần được xác định trước, trong môi trường giàu dinh dưỡng, đạt tiêu chuẩn. 

Theo đó cũng giống như nhiều cây lâm nghiệp khác, cây bạch đàn và cây keo là hai loại cây trồng mang lại những giá trị kinh tế lớn  nên để có nguồn gốc giống tốt, phát triển nhanh, không sâu bệnh thì cần phải đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật và nên thực hiện phương pháp kiểm tra các công đoạn phục tráng theo tiêu chuẩn.  

Căn cứ tại Tiêu chuẩn TCVN 14130:2024 giống cây lâm nghiệp - Yêu cầu kỹ thuật của phục tráng giống Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra các công đoạn phục tráng bằng phương pháp nuôi cấy mô cho các giống keo và bạch đàn được công nhận.

Cây bạch đàn, cây keo giống phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra các công đoạn phục tráng các giống keo, bạch đàn bằng phương pháp nuôi cấy mô được quy định cụ thể: Nguồn gốc giống yêu cầu từ cây đầu dòng của các giống đã được công nhận. Phương pháp kiểm tra được xác định dựa trên hồ sơ nguồn gốc giống và hồ sơ thiết kế trồng rừng; Yêu cầu cây sinh trường tốt, cứng cáp, khỏe mạnh, thân thẳng, lá xanh kiểm tra bằng cách quan sát mắt thường tại hiện trường; Yêu cầu không có sâu bệnh kiểm tra bằng việc quan sát bằng mắt thường tại hiện trường.

Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra đối với công đoạn cắt tạo chồi cụ thể: Chỉ tiêu vị trí cắt tạo chồi yêu cầu đối với keo tối đa 2m tính từ gốc. Đối với keo lá tràm có thể cắt cành để tạo chồi nên đo bằng thước chuyên dụng. Đối với bạch đàn không quá 0,3m tính từ gốc. Mùa cắt tạo chồi yêu cầu phải vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8 đối với miền Bắc và miền Nam, từ tháng 8 đến tháng 10 đối với miền Trung kiểm tra nhật ký công việc liên quan đến thời điểm cắt tạo chồi.

Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra đối với vật liệu đưa vào nuôi cấy mô: Loại chồi yêu cầu phải là chồi vượt quan sát bằng mắt thường tại hiện trường. Tình trạng chồi yêu cầu bánh tẻ khỏe mạnh, không có triệu chứng bị sâu bệnh hại, chưa xuất hiện các mầm chồi thứ cấp cũng quan sát bằng mắt thường tại hiện trường.

Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp kiểm tra đối với chồi sau phục tráng giống: Hình thái chồi yêu cầu phải xanh, mọc thẳng, lá mở, ít nhất 2 đốt thân. Hệ số nhân chồi đối với keo tối thiểu 2 lần, đối với bạch đàn tối thiểu 4 lần. Tỷ lệ chồi hữu hiệu đạt tối thiểu 30% và xác định bằng số chồi hữu hiệu trên tổng số chồi mới tạo thành.

Tình trạng chồi phải khỏe mạnh, không có biểu hiện bị nhiễm nấm, khuẩn. Quan sát bằng mắt thường cho toàn bộ bình nuôi cấy. Số lần cấy chuyển không quá 8 lần. Xác định dựa vào nhật ký công việc.

Yêu cầu kỹ thuật đối với cây hoàn chỉnh sau phục tráng giống đối với keo lai Theo TCVN 11570-2:2016; Keo lá liềm và Keo lá tràm Theo TCVN 11570-3:2017; Bạch đàn lai Theo TCVN 11571-1:2016; Bạch đàn urophylla và Bạch đàn camaldulensis Theo TCVN 11571-2:2017.

Quá trình phục tráng giống đạt yêu cầu khi 100% mẫu kiểm tra phù hợp với yêu cầu kỹ thuật được quy định trước khi đưa vào sản xuất theo các quy định hiện hành. Thông tin kèm theo gồm tên giống phục tráng; thời điểm phục tráng; đơn vị thực hiện phục tráng; thời hạn sử dụng của giống.

TIN LIÊN QUAN