Tiêu chuẩn quốc tế mới về chất bôi trơn trong sản xuất công nghiệp

(CL&CS) - Ủy ban Tiêu chuẩn quốc tế ASTM đang phát triển và hoàn thiện tiêu chuẩn về khả năng lọc khô của chất bôi trơn, dầu có trong hoạt động sản xuất công nghiệp.

Tiêu chuẩn quốc tế ASTM mới sẽ cung cấp phương pháp kiểm tra tiêu chuẩn về khả năng lọc khô của chất bôi trơn và chất lỏng thủy lực bằng kỹ thuật dòng chảy khối lượng. Tiêu chuẩn này (D8385), cùng với tiêu chuẩn về khả năng lọc ướt (D8277), đang được phát triển bởi ủy ban ASTM về các sản phẩm dầu mỏ, nhiên liệu lỏng và chất bôi trơn (D02).

Năng lượng chất lỏng thủy lực được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp bao gồm vận tải, xây dựng, khai thác mỏ, nông nghiệp, kim loại và sản xuất. Các yêu cầu của chất lỏng thủy lực là yếu tố quan trọng. Phương pháp kiểm tra này khác với các tiêu chuẩn hiện có vì người dùng đánh giá khả năng lọc dựa trên tốc độ dòng chảy khối lượng, cho phép tự động hóa và ít bị lỗi hơn.

Xây dựng tiêu chuẩn về khả năng lọc khô của chất bôi trơn làm giảm sự cố về máy móc.

Thành viên Uỷ ban ASTM International, ông Paul Michael cho biết: “Chất lỏng có khả năng lọc tốt không chỉ duy trì độ sạch lâu hơn mà còn tăng cường tính bền vững của thiết bị thủy lực bằng cách ngăn ngừa sự cố hỏng hóc của máy móc. Tiêu chuẩn này hữu ích cho các nhà sản xuất chất lỏng thủy lực và thiết bị điện, cũng như người sử dụng chất lỏng trong các ngành như xây dựng, nông nghiệp, khai thác và sản xuất”.

Cũng liên quan đến các chất bôi trơn, sản phẩm liên quan trong hoạt động sản xuất công nghiệp, tại Việt Nam đã ban hành một số tiêu chuẩn kỹ thuật.Cụ thể, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 89390-9: 2011 ISO 6743-9:2003: Chất bôi trơn, dầu công nghiệp và các sản phẩm liên quan (loại L). 

Tiêu chuẩn này đưa ra phân loại chi tiết họ X (mỡ bôi trơn) thuộc loại L (chất bôi trơn, dầu công nghiệp và các sản phẩm liên quan). Tiêu chuẩn phân loại áp dụng đối với các nhóm mỡ bôi trơn được sử dụng để bôi trơn thiết bị, chi tiết của máy móc, phương tiện chuyển động khác, v.v…

Mỡ bôi trơn được phân loại theo điều kiện sử dụng chứ không phân loại theo mục đích sử dụng. Vì vậy người sử dụng cần tham khảo nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sử dụng và khả năng tương thích của sản phẩm. Trong tiêu chuẩn phân loại này, mỗi loại mỡ bôi trơn chỉ có một ký hiệu duy nhất. Ký hiệu này tương ứng với điều kiện khắc nghiệt nhất về nhiệt độ, sự nhiễm nước và tải trọng mà mỡ bôi trơn được sử dụng.

Ngoài ra, còn có tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10507:2014 ISO 3448:1992: Chất bôi trơn công nghiệp dạng lỏng - Phân loại độ nhớt ISO. ISO 3448:1992 (đã được chấp nhận thành TCVN 10507:2014) được xây dựng để cung cấp sự phân loại chất bôi trơn theo các cấp độ nhớt đáp ứng yêu cầu của các Ban kỹ thuật ISO, trong đó có các ban kỹ thuật đã ban hành các tiêu chuẩn quốc tế về thiết bị sau đây: TC 39 Dụng cụ cơ khí; TC 123 Ổ trượt và TC 131 Hệ thống thủy lực với yêu cầu chỉ rõ chất bôi trơn. Mục đích của hệ thống phân loại này là để thiết lập một dãy các mức độ nhớt động học xác định sao cho người cung cấp, người sử dụng chất bôi trơn, nhà thiết kế thiết bị có cơ sở chung và nhất quán để thiết kế hoặc lựa chọn chất bôi trơn công nghiệp phù hợp độ nhớt động học được yêu cầu cho một ứng dụng cụ thể.

Tiêu chuẩn này thiết lập hệ thống phân loại độ nhớt đối với các chất bôi trơn công nghiệp dạng lỏng và các chất lỏng liên quan, bao gồm dầu khoáng dùng làm chất bôi trơn, các chất lỏng thủy lực, dầu sử dụng cho ngành điện và cho các ứng dụng khác. Phương pháp thông thường để xác định độ nhớt động học được quy định trong ISO 3104, tuy nhiên, phương pháp này có thể dẫn đến kết quả bất thường khi áp dụng để đo độ nhớt của chất lỏng phi Niu-tơn (là các chất lỏng có hệ số độ nhớt thay đổi đáng kể theo tốc độ trượt).

TIN LIÊN QUAN