Củ gừng là gia vị rất quen thuộc với ẩm thực của người Việt Nam, hơn nữa đây còn là vị thuốc Đông y có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Do có tính ấm nóng nên củ gừng đem lại tác dụng chữa cảm lạnh, sốt. Đặc biệt khi dùng cùng nước ấm sẽ tác dụng làm giãn mao mạch, đẩy nhanh quá trình tiết mồ hôi, hỗ trợ tuần hoàn máu. Vì thế khi thời tiết lạnh, sử dụng gừng tươi sẽ giúp làm ấm cơ thể, ngăn ngừa virus hợp bào hô hấp gây bệnh.
Tính cay nóng của gừng cùng những tinh chất tốt còn có tác dụng trong điều trị các triệu chứng tiêu hóa như ợ hơi, ợ chua, ợ nóng,… Vì thế đây là vị thuốc tuyệt vời được dùng để điều trị, khắc phục các chứng bệnh tiêu hóa và các vấn đề đường ruột khác. Ngoài sử dụng gừng tươi, trà gừng cũng có tác dụng tương tự.
Ngoài ra tác dụng chống viêm của củ gừng tươi rất được ưa chuộng, hơn nữa nhiều loại thuốc hiện nay cũng sử dụng gừng tươi làm nguyên liệu. Một số nghiên cứu được thực hiện ở bệnh nhân bị cholesterol cao trong máu sử dụng gừng tươi cho kết quả tương đối tốt, bệnh nhân có nồng độ cholesterol giảm rõ rệt trong máu. Bên cạnh đó, lượng đường trong máu cũng được kiểm soát.
Do có tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe nên ngoài sử dụng gừng tươi còn có thể sử dụng gừng sấy khô. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Ấn Độ, quá trình sấy khô gừng tươi làm tăng hàm lượng chất chống oxy hóa bằng cách loại bỏ nước. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là gừng tươi hoàn toàn thiếu chất chống oxy hóa mà mức độ chống oxy hóa bị giảm đi khi sử dụng trong nấu ăn.
Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố trên PubMed Central đã nghiên cứu tác dụng của gừng tươi và gừng khô đối với virus đường hô hấp trong tế bào người. Các phát hiện chỉ ra rằng gừng tươi có thể giúp bảo vệ hệ hô hấp, trong khi gừng khô không mang lại tác dụng tương tự. Như vậy, cả gừng khô và gừng tươi đều có tác dụng tốt với sức khỏe. Tuy nhiên, khi sử dụng với những mục đích khác nhau, cho các trường hợp khác nhau nên ưu tiên lựa chọn loại gừng có tác dụng hơn để quá trình trị bệnh đạt hiệu quả tối đa.
Tuy nhiên việc chế biến hay bảo quản gừng tươi, sấy khô làm dược liệu cũng nên đáp ứng những yêu cầu cơ bản theo tiêu chuẩn để chất lượng dược liệu được đảm bảo không ẩm mốc, hư hỏng nhanh.
Sử dụng, chế biến củ gừng tươi hay sấy khô dùng làm dược liệu nên đáp ứng theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa
Theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc - Phần 4: Dược liệu và thuốc từ dược liệu- yêu cầu đối với củ gừng tươi và sấy khô do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, cây gừng nên thu hoạch vào vụ Thu- Đông từ cây trồng gần 1 năm tuổi trở lên để có gừng già, đào lấy cả khóm, giũ sạch đất cát rồi rửa sạch, cắt bỏ rễ con và tạp chất. Tùy theo cách chế biến để có các vị thuốc là: sinh khương, ổi khương, can khương, bào khương, thán khương (hắc khương, tiêu khương).
Trong đó yêu cầu đối củ gừng tươi phải mập, phân nhánh ngang; củ chính và nhánh gần hình trụ hoặc hơi dẹt, dài 3cm đến18cm, đường kính ngang 0,5cm đến 2,5cm. Vỏ ngoài mỏng màu vàng nâu hay nâu xám với các vòng ngang là vết tích của bẹ lá. Đầu các nhánh có chồi mầm, với đỉnh sinh trưởng ở trong. Lát cắt ngang có màu ngà vàng; ở củ chính có vòng lỗi, có xơ, đôi khi có xen lẫn màu xanh lục nhạt. Mùi thơm, vị cay nóng.
Biểu bì gồm một lớp tế bào nhỏ hình chữ nhật, xếp tương đối đều đặn. Dưới lớp biểu bì là lớp suberoid (vùng hóa bần) gồm 5 đến 6 hàng tế bào tròn hoặc gần tròn nhuộm màu xanh, xếp xen kẽ nhau. Phía dưới lớp suberoid là lớp bần gồm những tế bào hình chữ nhật, xếp xuyên tâm và đồng tâm. Mô mềm vỏ gồm các tế bào tròn. Phía trong, lớp nội bì tạo thành vòng không liên tục, sát lớp nội bì là lớp trụ bì. Đối với mô sinh trưởng rải rác trong phần mô mềm vỏ và mô mềm ruột, tập trung nhiều nhất ở sát lớp nội bì. Mỗi bó hình tròn hay hình trứng có 1 đến 6 mạch gỗ ở giữa, libe chồng lên gỗ, rải rác có các mạch gỗ bị cắt dọc. Những tế bào tiết tinh dầu rải rác khắp mô mềm ruột và mô mềm vỏ.
Dưới lớp biểu bì là lớp tế bào mô mềm tròn, 5-6 lớp xếp xen kẽ nhau. Sau lớp này là một vùng phát sinh bần là các tế bào thành mỏng sắp xếp đều đặn. Vùng ngoại nội bì gồm các mô mềm thành mỏng và các bó mạch nằm chồng rải rác, mô mềm chứa tinh bột; tế bào tiết chứa dầu.
Để thử nghiệm nên dùng phương pháp sắc ký lớp mỏng và dung môi khai triển Ether dầu hỏa (60-90 °C) - cloroform - ethyl acetat. Yêu cầu tro toàn phần không quá 2,0 % tính theo dược liệu nguyên trạng. Không bị thối hỏng và dập nát. Tỷ lệ non xốp không quá 1,0%. Củ có dấu hiệu mọc mầm sớm không quá 10,0% khối lượng củ trong bao gói. Tạp chất không quá 1,0%. Nên bảo quản nơi khô, thoáng. Tránh ánh sáng trực tiếp. Có thể vùi vào cát ướt nhưng không cho mọc mầm.
Đối với củ gừng sấy khô yêu cầu phải là củ phân nhánh, khi khô có hình dạng bất định. Củ chính và củ nhánh khi khô thường quắt lại, hơi dẹt, dài 3cm đến 7cm, dày 0,5cm đến 1,0cm. Vỏ ngoài màu nâu xám, có nhiều vết nhăn dọc và ngang, đôi khi còn có một số rễ con sót lại. Thể chất cứng, khó bẻ, mặt bẻ màu nâu vàng sậm hoặc nâu, ở củ già có lõi màu đậm hơn, có xơ. Mùi thơm, vị cay nóng.
Dược liệu đã thái lát là các phiến gần tròn hoặc dạng dải có nhánh, dài 1 - 6cm, dày 1 - 2mm, rộng 1 - 2cm. Bên ngoài màu nâu xám hoặc nâu, thô nhám. Mặt phiến màu vàng xám hoặc nâu sậm, có nhiều sợi dọc giống dạng xơ. Thể chất cứng chắc. Mùi thơm vị cay.
Biểu bì gồm một lớp tế bào nhỏ hình chữ nhật, xếp tương đối đều đặn. Dưới lớp biểu bì là lớp suberoid (vùng hóa bần) gồm 5 đến 6 hàng tế bào tròn hoặc gần tròn nhuộm màu xanh, xếp xen kẽ nhau. Phía dưới lớp suberoid là lớp bần gồm những tế bào hình chữ nhật, xếp xuyên tâm và đồng tâm. Mô mềm vỏ gồm các tế bào tròn. Phía trong, lớp nội bì tạo thành vòng không liên tục, sát lớp nội bì là lớp trụ bì. Các mô sinh trưởng rải rác trong phần mô mềm vỏ và mô mềm ruột, tập trung nhiều nhất ở sát lớp nội bì. Mỗi bỏ hình tròn hay hình trứng có 1 đến 6 mạch gỗ ở giữa, libe chồng lên gỗ, rải rác có các mạch gỗ bị cắt dọc. Những tế bào tiết tinh dầu rải rác khắp mô mềm ruột và mô mềm vỏ.
Mảnh mô mềm gồm những tế bào hình nhiều cạnh, rải rác có chứa tế bào tiết tinh dầu màu vàng nhạt. Tinh bột hình trứng, có vân rõ, thường bị hồ hóa. Mảnh bần gồm các tế bào hình chữ nhật, vách dày, màu vàng nâu. Sợi có thành mỏng. Mảnh mạch vạch, mạch vòng, mạch điểm.
Khi thử nghiệm gừng ấy khô thì độ ẩm không quá 13,0%, tro toàn phần không quá 6,0%, tro không tan trong acid hydrocloric không quá 3,0%. Tạp chất không quá 1,0%, tỷ lệ non xốp không quá 1,0%.
Chất chiết được trong dược liệu được tiến hành theo phương pháp chiết lạnh không ít hơn 9,0% tính theo dược liệu khô kiệt, dùng nước làm dung môi, không ít hơn 3,0% tính theo dược liệu khô kiệt, dùng ethanol 90% làm dung môi. Nên bảo quản trong đồ đựng kín, tránh mốc, dùng trong vòng 30 ngày từ khi chế biến, để lâu mất tác dụng.
ĐỂ BIẾT THÊM NỘI DUNG TOÀN VĂN CỦA TIÊU CHUẨN TCVN SỬA ĐỔI 1:2024 TCVN I-4:2017 VỀ GỪNG TƯƠI VÀ SẤY KHÔ VUI LÒNG LIÊN HỆ: Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Đ/c: Số 8, đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội Điện thoại: (024) 37562608/ 37564268 Email: ismq@tcvn.gov.vn |