Tiếp tục tìm giải pháp cho hòa bình Syria

(NTD) - BBC News đưa tin ngày 17/10, quân nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã chiếm được thị trấn Dabid ở Syria. Liên quan đến Syria, Anh kêu gọi Mỹ xem xét lệnh tái trừng phạt Nga và Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi Pháp nỗ lực giải quyết khủng hoảng Syria. Trong tình hình “dầu sôi lửa bỏng” đó, liệu sẽ có một giải pháp cho hòa bình Syria?

Thị trấn Dabiq là một biểu tượng quan trọng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), theo các chỉ huy quân nổi dậy và giới quan sát. Theo tổ chức Quan sát nhân quyền của Syria có trụ sở tại Anh, quân nổi dậy đã chiếm được Dabiq sau khi binh sỹ "IS rút lui". Thị trấn nhỏ nằm ở mạn Bắc có giá trị to lớn đối với IS, vì một lời tiên tri về 'một cuộc chiến khải huyền' và các yếu tố tuyên truyền mạnh của tổ chức khủng bố này.  Bước tiến đối với Dabiq là một phần của một cuộc tấn công rộng lớn hơn do các nhóm quân nổi dậy ở Syria tiến hành.

Phe nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn chiếm thị trấn Dabiq có ý nghĩa chiến lược với IS (Ảnh: AP).

Cũng theo BBC News, khoảng 2.000 chiến binh nổi dậy đã tham gia vào cuộc tấn công do Saif Abu Bakr - chỉ huy Lữ đoàn Hamza, tiến hành. Họ được xe tăng và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và được hỗ trợ bởi các cuộc không kích của các chiến đấu cơ thuộc liên minh quốc tế. Ahmed Osman - chỉ huy của nhóm quân nổi dậy Sultan Murad, nói với hãng tin Reuters vào sáng Chủ nhật rằng, nhóm này cũng đã chiếm lại ngôi làng Soran ở lân cận. Tổ chức quan sát Nhân quyền cho Syria nói 1.200 chiến binh IS đã được đưa vào để bảo vệ Dabiq, nhưng AP cho rằng kháng cự của IS là "tối thiểu".  Saif Abu Bakr nói IS rút về phía thị trấn lớn hơn là Al-Bab ở phía Nam.

Dabiq chỉ nằm cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 10 km. Hồi tháng 8/2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một cuộc tấn công để quét sạch các phần tử vũ trang ở khu vực biên giới, có nghĩa là nhắm vào lực lượng IS và cả quân nổi dậy người Kurd chống lại IS. Vào tháng 9, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nói đường biên giới dài 91km đã được "hoàn toàn bảo đảm" và "tất cả các tổ chức khủng bố đã bị đẩy lùi".

Bản đồ chiến sự ở Syria (Ảnh: AP).

Một cuộc chiến được châm ngòi từ cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad hiện đã chia cắt Syria thành nhiều phần, đã kéo dài được hơn 5 năm qua và cướp đi khoảng 300.000 sinh mạng. Tin cho hay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ gặp các ngoại trưởng của Pháp và Đức trong một một phần của một nỗ lực mới nhằm môi giới cho hòa bình ở Syria. Tháng trước, một lệnh ngừng bắn sụp đổ chỉ sau một vài ngày và kể từ đó, quân đội chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn đã ném bom thành phố Aleppo - nơi đang trở thành tâm điểm của cuộc xung đột. Chưa có thỏa thuận cụ thể hoặc lệnh ngừng bắn nào đạt được, nhưng cả Mỹ lẫn Nga đã nói về "những ý tưởng" mới để giải quyết tình hình xung đột.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) ngày 16/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga luôn mong muốn có thêm nhiều quốc gia tham gia tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, đặc biệt là những nước có tiềm lực lớn. Ngoài ra, Putin cũng hy vọng Mỹ sẽ hành động một cách có lựa chọn và làm tất cả để giảm thiểu hoặc loại trừ thương vong đối với dân thường ở thành phố Mosul của Iraq. Putin cũng kêu gọi Pháp nỗ lực giải quyết khủng hoảng Syria, cho rằng Pháp chưa tham gia sâu sắc vào tiến trình giải quyết khủng hoảng tại Syria.

 Ba nhân vật tác động mạnh vào tiến trình hòa bình Syria (từ trái qua): Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Syria Bashar al – Assad và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP).

Hôm 10/10, Tổng thống Pháp Francoise Hollande đã nghi ngờ về mục đích chuyến thăm Pháp của Tổng thống Putin do hai bên còn những bất đồng về giải pháp cho Syria, vì thế, Putin đã hủy chuyến thăm Paris, dự định diễn ra vào ngày 19/10, với lý do là một số nội dung văn hóa dự định diễn ra nhân dịp chuyến thăm đã bị rút khỏi chương trình. Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định giữa Nga và Pháp còn nhiều đề tài để thảo luận ngoài đề tài Syria, và sẵn sàng nối lại chuyến thăm Paris vào thời điểm thuận lợi.

Trong bối cảnh đó, hôm 17/10 (giờ VN), Anh kêu gọi Mỹ hãy “xem xét lại việc tái trừng phạt Nga” để “áp lực” với Putin. Theo các nhà phân tích, ba nhân vật chủ chốt trong tiến trình hòa bình Syria là ba Tổng thống Mỹ Barack Obama, Assad và Putin. Sắp tới, trong khi các bên đang tìm một lối ra cho hòa bình Syria, liệu cả ba có chịu nhường nhịn nhau để tiến tới một giải pháp chung cuộc nhằm kết thúc hơn năm, năm máu đổ ở vùng đất chết Syria?

                                                                                         Lê Miên Tường (Theo BBC News, 10/2016)

Nên đọc