Trong những năm qua, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và đã đem lại một số kết quả nhất định. Trong đó, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: dịch vụ công trực tuyến; hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực. Năm 2016, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2014 (xếp vị trí 89/193).
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tăng về số lượng cung cấp dịch vụ. So với năm 2016 thì năm 2017 số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các Bộ, ngành tăng gần 600 dịch vụ và các tỉnh, thành phố tăng hơn 11.000 dịch vụ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử còn nhiều hạn chế: Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 tăng 10 bậc so với năm 2014 tuy nhiên trong hơn 15 năm qua Việt Nam luôn ở mức trên dưới 100, mức trung bình thấp của Bảng xếp hạng.
Một số cơ quan, người đứng đầu chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử hoặc công tác chỉ đạo thiếu quyết liệt, chưa gương mẫu. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức một số nơi vẫn có thói quen làm việc dựa trên giấy, ngại dùng công nghệ do sợ mất quyền kiểm soát, mất vai trò và khi công khai, minh bạch sẽ bị giám sát. Bộ phận kỹ thuật có tâm lý cục bộ, không liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu, muốn tự làm hết từ mua máy tính đến phần mềm,...
Để thúc đẩy ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động, quản lý, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành, trong đó tập trung tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho việc thúc đẩy ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử như xây dựng, ban hành một số văn bản về kết nối, chia sẻ dữ liệu, ưu đãi thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT; Nghị định thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị quyết về Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025;…
Bên cạnh đó, thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, tăng cường phối hợp xây dựng Chính phủ điện tử.
Triển khai các giải pháp công nghệ tập trung vào phát triển nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0. Tập trung đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
Tập trung triển khai Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa với mục tiêu xây dựng hệ tri thức tổng hợp mọi lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của mọi người dân.
Bảo Linh