Không chỉ ở TP HCM mà Hà Nội cùng nhiều TP lớn cũng có tình trạng nhiều khách hàng của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phản ánh tiền điện tháng này tăng vọt, có hộ gấp 4-5 so với kỳ liền kề trước! Đâu là nguyên nhân của tình trạng “đến hẹn lại lên” này?
Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn.
Đây là nguyên nhân mà bất cứ năm nào cũng được lặp lại và thời tiết nắng nóng kéo dài như ở Hà Nội thời gian qua và TP HCM nửa tháng trước luôn được xem là nguyên nhân số 1! EVN Hà Nội cho hay, tính đến ngày 12/6, lượng điện tiêu thụ trung bình ngày tại Hà Nội là 80 triệu kWh, tăng 28% so với tháng 5 và 86% so với tháng 4.
Ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, nhiều gia đình “sốc” khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 6 cao gấp 3-4 lần tháng 5 dù ít ở nhà hơn so với đợt giãn cách xã hội tháng 4. Tại TP.HCM, từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 đã bắt đầu có mưa nhưng tiền điện thường chốt vào cuối tháng 5 nên đa số điện dùng đúng thời điểm nắng nóng nhất từ khoảng 20/5 trở về trước nên hóa đơn nhiều hộ cũng tăng vọt.
Theo tính toán của EVN và các đơn vị thành viên, một trong những yếu tố mọi người hay nhầm lẫn khiến điện năng tiêu thụ cao là bật nhiệt độ thấp. Mỗi độ giảm đi, điện năng tiêu thụ của điều hòa sẽ tăng thêm từ 2-3%. Khuyến cáo nhiệt độ trong nhà chỉ nên chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời 8-12 độ, không nên thấp hơn.
Ngoài ra, nguyên nhân chủ yếu khác khiến hóa đơn tiền điện cao là cách tính biểu giá điện luỹ tiến 6 bậc thang hiện nay, khiến khách hàng dùng điện càng nhiều, tiền điện phải trả càng cao.
Hiện giá bán lẻ điện sinh hoạt chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT. Do đó, lượng điện sử dụng càng nhiều càng rơi vào bậc thang giá cao. Với cách tính này, một hộ gia đình chỉ nhảy từ bậc thang này lên 1,2 bậc thang khác thì tiền trả tăng 2-3 lần không có gì lạ.
Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân trên thì không ít khách hàng đã nghi ngờ cách tính, thời điểm chốt đồng hồ và cả điện kế điện tử có sai sót nên đã khiếu nại. Nhưng cho đến nay, không nhiều khách hàng khiếu nại thành công và kết quả kiểm định độc lập cho ra kết quả đại đa số cách tính, tiền điện và điện kế của ngành điện đều đúng!
Giờ đây, biện pháp khả dĩ nhất để giảm tiền điện là tiết kiệm và dùng điện hợp lý. Ông Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Nhiệt - lạnh (Đại học Bách Khoa Hà Nội) nói: "Nếu nhiệt độ cài đặt của điều hòa trong phòng giảm 1 độ, tiêu thụ điện năng của điều hòa cũng tăng lên 1,5-3%". Ông khuyến cáo nhiệt độ điều hoà chỉ nên để ở mức 26-28 độ C. Nếu chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, giúp tiết kiệm khoảng 2-3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.
EVN HCMC cũng khuyến nghị khách hàng cần tiết kiệm điện, hạn chế việc ảnh hưởng đến chi tiêu của gia đình như tắt bớt bóng đèn, xài máy lạnh nhiệt độ hợp lý, dùng quạt khi không quá nóng.... Người dân còn có thể áp dụng một số cách như hạn chế đóng kín cửa, tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời và thông gió tự nhiên vừa tiết kiệm điện vừa tăng khả năng diệt khuẩn, giảm mật độ virus, vi khuẩn gây bệnh nếu có...
Phan Hùng