Bên kia sông Măng Thít sáng rực ánh đèn từ khu chợ đầu mối nông sản tọa lạc tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Ông Tạ Hoàng Bửu, 77 tuổi, một chủ quán cà phê khi chúng tôi dừng chân thưởng thức tô bún măng và ly cà phê đen rất “đậm” kể: Trước đây việc mua bán trao đổi hàng hóa diễn ra ngay ngã 3 sông Hậu Giang và sông Măng Thít. Mấy năm trước chợ nổi này đã được “nhổ neo” chuyển sang khu đất tại chợ Sóc Tro (thị trấn Trà Ôn) cách chỗ cũ khoảng 1,5km, mới đây lại chuyển sang khu đất rộng hơn nằm cạnh sông Hậu (thuộc xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình) với hàng chục ki ốt mua bán nhộn nhịp thuận lợi hơn. Bên đó giờ mua bán “sung” lắm.
Tuy đã vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Bửu còn có trí nhớ rất tốt về chợ nổi Trà Ôn xưa. Thêm vào đó ông còn là người rất am hiểu về văn hóa dân gian xưa.
Ông kể rất rành mạch: Chợ nổi Trà Ôn là chợ nổi cuối cùng nằm trên dòng sông Hậu trên đường xuôi ra biển mang đậm nét văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long. Chợ này là điểm kết nối giữa sông Hậu và sông Tiền thông qua sông Măng Thít dài khoảng 32km. Chợ nhóm từ khoảng 2h sáng và kết thúc khoảng 9h.
Hàng hóa trao đổi rất đa dạng chủ yếu vẫn là nông sản thực phẩm được các thương hồ trao đổi 2 chiều. Cụ thể họ mang trái cây đi về các địa phương khác như: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang... và mang nhiều thủy sản chủ yếu là tôm, cua, nghêu, sò, các loại khô biển về bán lại cho thương lái tạo nên một bức tranh rất sinh động và là phương kế mưu sinh cho họ hàng trăm năm qua. Việc mua bán này còn giúp nhiều thương lái, người sản xuất có thu nhập rất đáng kể và ổn định.
Chuẩn bị hàng lên xe tải. |
Ở góc độ du lịch, nhiều du khách trong và ngoài nước rất thích đến đây bởi không gian mua bán nhôn nhịp; khoảng sông rất đẹp và to rộng, nên thơ, giữ nguyên hình ảnh nông thôn Nam bộ với những rừng bần, dừa, cây ăn trái, bến đò xưa với những chiếc phà ngang dọc từ Trà Ôn đến các xã cù lao như: Lục Sỹ Thành, Phú Thành (Trà Ôn); các xã thuộc huyện Kế Sách (Sóc Trăng); các xã thuộc huyện Châu Thành (Hậu Giang)...
Thích nhất vẫn là những chiếc ghe thương hồ đều có cây “bẹo” trước mũi ghe, đây là nét đặc trưng của các chợ nổi miền Tây. Nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng lúc theo cha mẹ lênh đênh trên sông nước và neo đậu tại chợ nổi Trà Ôn xưa.
Chúng tôi đến khu chợ nông sản mới để tìm hiểu thêm về không khí mua bán tại đây. Ông Trần Văn Bạo, thương hồ có quê quán huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Hồi đầu chuyển sang mua bán tại đây cũng mới mẽ nhưng rồi cũng quen dần. Chỗ bán mới rất thuận lợi, an toàn hơn, có bến bãi lên xuống đàng hoàng, xe tải lấy hàng, tàu ghe cặp bến lên hàng đều nhanh chóng”.
Cùng niềm vui với ông Bạo, bà Nguyễn Thị Thu, ngụ xã Ngãi Tứ bộc bạch: “Trước đây mua bán bên chợ Sóc Tro chật hẹp lắm lại mất vệ sinh, xe tải ra vào rất khó khăn. Từ khi có chợ đầu mối này tiểu thương mừng lắm vì thuận tiện trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa”.
Đến đây, chúng tôi bắt gặp rất nhiều nông sản thực phẩm như: Khoai lang, cam, quýt, khóm, chuối, dừa, các loại rau đậu, củ rất đa dạng được các ghe, xe tải tấp nập lên xuống. Nhìn những chiếc ghe buôn đậu san sát cạnh nhau đang hối hả lên xuống hàng hóa đi các địa phương; nhìn những chiếc xe tải đang chất nông sản chuẩn bị cho một cuộc hành trình; nghe nhiều tiếng nói tiếng cười rộn rã ở khu chợ “nổi trên bờ... Chúng tôi hiểu cuộc sống mới đang đến với người mua, kẻ bán ở một khu chợ nông sản bậc nhất của tỉnh Vĩnh Long.
Trương Thanh Liêm