Doanh nghiệp đề cập hàng loạt vướng mắc
Taị hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đến nay, có 291 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 71%.
8 tháng đầu năm, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển đạt khoảng 140 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100,7 tỷ USD (chiếm 47,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), đóng góp vào ngân sách khoảng 96.500 tỷ đồng.
Hiện cả nước có 291 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản. Cạnh đó, có 18 khu kinh tế ven biển và 26 khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập.
Việt Nam có 3 khu công nghệ cao được thành lập tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với tổng diện tích khoảng 3.000 ha. 730 cụm công nghiệp đang hoạt động đã thu hút khoảng 13.500 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; tỷ lệ lấp đầy bình quân 63%…
Qua phản ánh của các địa phương, doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 7 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức mà các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp phải đối mặt.
Một trong số các khó khăn, vướng mắc được nhấn mạnh, chính là việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” trong thời gian qua.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, mô hình “1 cung đường 2 điểm đến”, “3 tại chỗ” là giải pháp đúng đắn trong thời gian qua nhưng về lâu dài gặp nhiều khó khăn, bất cập, tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp không bố trí được khu vực “3 tại chỗ”, không mua được các trang thiết bị cần thiết cho việc tổ chức lưu trú, không đủ không gian trong việc bố trí chỗ ở cho người lao động.
Thêm vào đó, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền nghiêm trọng, trong khi chi phí trang trải phòng, chống dịch và duy trì sản xuất không nhỏ.
Ngoài các khó khăn này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp còn gặp khó khăn về vấn đề thiếu hụt lao động; việc nhập cảnh cho các chuyên gia nước ngoài; tiêm phòng vaccine Covid-19; gia tăng chi phí xét nghiệm cho người lao động…
Chưa kể, còn có các khó khăn liên quan đến thiếu vốn kinh doanh, đơn hàng sụt giảm; nguồn nguyên liệu đầu vào, dự trữ hạn hẹp; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn; khó trong cả xin chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O…
Một số doanh nghiệp không bố trí được khu vực “3 tại chỗ”, không mua được các trang thiết bị cần thiết cho việc tổ chức lưu trú
Trước đó, Bộ Công Thương cũng từng kiến nghị Chính phủ giải pháp gỡ khó cho "3 tại chỗ". Tháng trước, các hiệp hội doanh nghiệp từng đề xuất Chính phủ không duy trì "3 tại chỗ" mà bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn.
Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ngoài thu hút đầu tư vào khu công nghiệp bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chuõi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra.
Tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp
Từ các khó khăn, vướng mắc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các doanh nghiệp kiến nghị xây dựng và triển khai thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19 thống nhất trong cả nước; tiếp tục kéo dài các gói hỗ trợ đã được ban hành cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021; thậm chí bổ sung, điều chỉnh các chính sách mạnh mẽ hơn trong năm 2022, nhất là với hoãn giãn, miễn giảm thuế, khoanh thuế…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất các nhóm chính sách đặc thù cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, như tiếp tục cắt giảm các chi phí đầu vào như điện, nước; giảm các loại phí công đoàn, bảo hiểm; tạo thuận lợi tối đa thủ tục thông quan..
Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 linh động, hiệu quả, tạo điều kiện để cho doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới chính sách cách ly cũng phải thực hiện linh hoạt hiệu quả theo hướng gọn, mềm và nhỏ.
Bên cạnh đó, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, cho cơ sở sản xuất kinh doanh. Tháo gỡ khó khăn về lao động, nhất là chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ khẳng định, lưu thông hàng hóa hiện không có vướng mắc lớn. Mỗi tuần Bộ giao ban 2 buổi với các địa phương, giao trách nhiệm cho các Sở Giao thông vận tải nắm chắc tình hình giao thông trên địa bàn để tháo gỡ kịp thời.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua một gói về miễn, giảm thuế. Hiện nay, Bộ đang gấp rút chuẩn bị dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện gói này để trình Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong điều kiện bình thường, Bộ đang dự kiến là phải bảo đảm “5 xanh”, thứ nhất là nhà máy xanh, thứ hai là công nhân, thứ ba là di chuyển, thứ tư là nơi ở công nhân và thứ 5 là y tế tại chỗ của doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bảo đảm an toàn cho người lao động trong phòng chống dịch từ khâu sản xuất đến lưu thông; phối hợp với các địa phương để thống nhất kế hoạch tiêm phòng cho công nhân, thực hiện xét nghiệm định kỳ theo quy định, bảo đảm không có F0 trong sản xuất, chịu trách nhiệm trước địa phương, không để xẩy ra ổ dịch trong sản xuất.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần có kế hoạch cụ thể phân bổ vaccine về các địa phương có các khu, cụm công nghiệp, hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động.