Thuỷ sản hướng mục tiêu xuất khẩu 14-16 tỷ USD vào năm 2030

(CL&CS)- Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tờ trình của bộ này nêu rõ, ngành thuỷ sản Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, với quy mô ngày càng mở rộng, tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất lớn; có nhiều sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Theo đó, kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2019 cơ cấu GDP ngành thủy sản trong toàn ngành Nông nghiệp tăng từ 17,8% lên 24,4%. Sản lượng thủy sản tăng từ 5,1 triệu tấn lên 8,2 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 5,0 tỷ USD lên tới 8,6 tỷ USD, tương ứng 1,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước và 20,8% kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp.

Ngành thủy sản giải quyết việc làm cho khoảng 3,9 triệu lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Thu nhập của lao động thủy sản không ngừng được cải thiện; tham gia hiệu quả vào công cuộc bảo vệ quốc phòng an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4 %/năm.

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, ngành thủy sản đang còn bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về phát triển thủy sản của đất nước.

Phát triển thủy sản chưa thực sự bền vững, ổn định và hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa thủy sản của nước ta trên thị trường khu vực và quốc tế chưa cao, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; cơ cấu nội ngành thủy sản chưa hợp lý. Hệ thống hạ tầng thuỷ sản còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản còn khó khăn; tổ chức sản xuất chưa hiệu quả…

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn chưa được chú trọng; công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định còn tồn tại…

Nguyên nhân chính chủ yếu dẫn đến tình trạng này có cả chủ quan và khách quan, tuy nhiên đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Điều đó được thể hiện qua việc các quan hệ sản xuất thì vẫn rất rời rạc, thiếu sự gắn kết tư duy sản xuất hàng hóa lớn giữa những người sản xuất nguyên liệu với cơ sở chế biến, giữa cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản với cơ quan quản lý và nhà khoa học, đặc biệt thiếu sự gắn kết theo chuỗi giá trị thủy sản trong nước với chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu,...

Điều này dẫn đến chi phí sản xuất cao, cạnh tranh trên trường quốc tế giảm. Mặt khác, tư duy quản lý vẫn mang đậm tư duy chính trị, nhiệm kỳ, áp dụng máy móc các cơ chế điều hành, chưa theo cơ chế thị trường và chưa đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế (thẻ vàng của EU là một minh chứng).

Bộ NN&PTNT cũng đề cập tới góc độ, nguồn vốn ngân sách bố trí chưa đủ về số lượng và thời gian theo yêu cầu của ngành.

Trong tờ trình Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4 %/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.

Giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm, bảo vệ quốc phòng an ninh chủ quyền biển, đảo của tổ quốc...

TIN LIÊN QUAN