Thượng nghị sĩ Ben Cardin. Ảnh: Washingtontimes |
Ông Ben Cardin, thành viên cấp cao của đảng Dân chủ thuộc Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ, cho hay việc Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 của các bãi đá ngầm mà Trung Quốc đang bồi đắp ở Trường Sa là một "bước đi tích cực", có thể giúp bảo vệ các tuyến vận tải biển thương mại quan trọng.
Ông Cardin cho rằng Trung Quốc sẽ phản ứng bớt hung hăng hơn đối với các cuộc tuần tra quân sự của Mỹ so với các nỗ lực tương tự của các quốc gia láng giềng Đông Nam Á.
"Điều Mỹ sẽ làm là ngăn chặn một vụ việc hoặc một hành động khiêu khích từ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc đối đầu với một trong những quốc gia có tranh chấp chủ quyền, nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ hành động. Nhưng nếu là Mỹ, tôi cho rằng khả năng Trung Quốc hành động là ít hơn".
Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ trước các thông tin cho biết Lầu Năm Góc đang cân nhắc các cuộc tuần tra. Động thái này diễn ra vài năm sau khi các quốc gia Đông Nam Á hối thúc Mỹ đóng vai trò lớn hơn.
Trung Quốc đã có lập trường hung hăng ở Biển Đông trong những năm gần đây. Các quốc gia láng giềng đang lo ngại về việc Bắc Kinh cấp tập cải tạo đất quanh các bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông và xây dựng hàng loạt cơ sở mới.
Tại Thượng viện hồi tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á- Thái Bình Dương Daniel Russel đã đề nghị ông Cardin không từ bỏ nỗ lực ngoại giao sau khi ông nói rằng Mỹ dường như đã để Trung Quốc lộng hành ở Biển Đông mà không bị thách thức.
Trung Quốc bị cáo buộc đang tiến hành cải tạo, xây dựng phi pháp trên ít nhất 7 bãi đã thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, theo các bức ảnh được tạp chí quốc phòng HIS Jane’s công bố hồi tháng 2/2015. Ảnh:Diplomat |
"Chúng ta không thực sự cho thấy bất kỳ một phản ứng nào trước các dạng hành động khiêu khích như thế này, ngoài việc đưa ra một thông cáo báo chí. Tôi nghĩ chúng ta có thể làm nhiều hơn. Và tôi muốn các đồng minh của chúng ta chúng ra đang đứng về phía họ để chống lại các hành động khiêu khích này", Thượng nghị sĩ Cardin nói với ông Russel.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khởi động chính sách "xoay trục" sang châu Á vào năm 2012, với kế hoạch triển khai một phần lớn hơn các thiết bị hải quân của Mỹ tại Thái Bình Dương để giúp chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của quân đội Trung Quốc. Nhưng nhiều quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, đã phàn nàn rằng chính sách "xoay trục" của Washington nói nhiều hơn làm.
Những người chỉ trích đã nêu ra một vụ việc vào năm 2012, khi một cuộc đối đầu kéo dài cả tháng liền xảy ra giữa các tàu hải quân Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham. Khi đó Mỹ đã không điều bất kỳ một tàu hải quân nào đến khu vực. Washington không điều tàu vì lo ngại về việc leo thang căng thẳng với Trung Quốc.
Một số chuyên gia tin rằng động thái đó ám chỉ với Trung Quốc rằng một lập trường hung hăng hơn của Bắc Kinh cũng không bị cản trở.
Mỹ và Trung Quốc đã cố gắng giảm bớt chút căng thẳng vào cuối tuần trước trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh. Nhưng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhấn mạnh về quyết tâm của Bắc Kinh nhằm bảo vệ "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
Vấn đề Biển Đông cũng trở thành đề tài "nóng" trong chạy đua vào ghế tổng thống Mỹ. Nghị sĩ đảng Cộng hòa gốc Cuba Marco Rubio hồi tuần trước nói rằng Mỹ cần có lập trường cứng rắn hơn nữa đối với Trung Quốc, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Phát biểu trong chuyến thăm Jakarta, Indonesia ngày 20/5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken cũng nói rằng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang tạo ra môi trường mất ổn định hơn đối với thương mại.
"Khi Trung Quốc tìm cách biến các lâu đài cát thành vùng đất chủ quyền và vẽ lại ranh giới hàng hải, nước này đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư", ông Blinken nói.
Bạn đọc có thể tham khảo thông tin chi tiết tại mục Thế giới
Theo Dân trí