Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch

(CL&CS) - Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam - VOBF là sự kiện thường niên do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức. Sau 6 năm tổ chức, VOBF đã trở thành hoạt động có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng thương mại điện tử trong và ngoài nước. Tiếp nối sự thành công đó, diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam lần thứ 7 đã được diễn ra tại Hà Nội .

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết: đón đầu xu hướng thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch, nhất là những lĩnh vực chuyển đổi số, kinh doanh onilne, blockchain... do đó diễn dàn sẽ tập trung các chủ đề như tín hiệu phục hồi toàn cầu, kết nối toàn cầu trở lại, lực đẩy và công nghệ tương lai của thương mại điện tử.

Trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà  phát triển nhanh và ổn định. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai.

Hai làn sóng đã góp phần tạo ra sự phát triển vững chắc của thương mại điện tử nước ta trong các năm 2020 – 2021 và tiếp tục là động lực cho giai đoạn tiếp theo. Làn sóng thứ nhất diễn ra trong giai đoạn bùng nổ đầu tiên của đại dịch Covid-19 năm 2020. Làn sóng thứ hai của thương mại điện tử diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2021 trong đợt dịch Covid-19 thứ tư. Những đặc điểm nổi bật của cả hai làn sóng là trong bối cảnh toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội bị trì trệ, kinh doanh thương mại điện tử bị tác động nghiêm trọng nhưng đông đảo thương nhân đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới và người tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng. 

Như vậy, phần lớn nền tảng thương mại điện tử hàng đầu đang hoạt động ở Việt Nam là của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp qua biên giới như Facebook, Google, TikTok, Agoda, hoặc là của doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp như Shoppee, Lazada, Grab,Traveloka, hoặc do doanh nghiệp Việt Nam xây dựng và vận hành nhưng tỷ lệ vốn góp của nước ngoài tương đối cao như Tiki, Sendo, Momo, VNPay.

Trải qua hai năm chịu tác động nặng nề từ đại dịch, năm 2021 đa số doanh nghiệp đã thích nghi với những phương án làm việc kết hợp online và offline. Các nền tảng tương tác trực tuyến miễn phí cũng được doanh nghiệp ưu tiên hơn để sử dụng trong quá trình vận hành sản xuất và kinh doanh.

Khảo sát năm 2021 về việc sử dụng các công cụ như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger trong công việc của doanh nghiệp cho thấy hầu như 100% doanh nghiệp đã sử dụng các nền tảng này. Trong số đó thì 44% doanh nghiệp cho biết có trên 50% lao động thường xuyên sử dụng các công cụ trên, 34% doanh nghiệp cho biết có từ 10%-50% lao động thường xuyên sử dụng và 22% doanh nghiệp cho biết có dưới 10% lao động thường xuyên sử dụng.

Thương mại điện tử (TMĐT)  Việt Nam trong thời gian qua phát triển rất nhanh và thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Đặc biệt trong giai đoạn dịch vừa qua TMĐT đã thể hiện được vai trò là giải pháp tối ưu khi giãn cách xã hội, giúp duy trì chuỗi cung ứng tiêu dùng cho người dân. Tuy nhiên một trong những điểm yếu hiện nay của TMĐT là nguồn nhân lực vẫn còn đang hạn chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.

Mục tiêu phát triển thương mại điện tử bền vững hướng tới năm 2025 là thu hẹp khoảng cách giữa hai thành phố trung tâm là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành còn lại. Vai trò của nguồn nhân lực càng được khẳng định rõ, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư lớn của các cơ quan nhà nước, các tổ chức để đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng trong ứng dụng thương mại điện tử, qua đó phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại điện tử tại nhiều tỉnh thành.

TIN LIÊN QUAN