Thượng đỉnh Trump – Kim mang lại hy vọng cho thân nhân các nạn nhân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc

(NTD) - Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ khi người em gái song sinh mất tích, hy vọng người em trở về của bà giáo Misa Morimoto có lúc dâng cao và có lúc tan biến - như những chìm nổi của mối quan hệ giữa Tokyo và Bình Nhưỡng.

Đại diện các gia đình có người thân bị Triều Tiên bắt cóc. (Ảnh: BBC)

Giờ đây, ở tuổi 54, bà Morimoto vẫn lạc quan – dù dè dặt – về cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6 sắp tới tại Singapore. Bà tin cuộc họp sẽ đem lại chút tin tức về người em gái giống bà như hai giọt nước.

Năm 2002, Triều Tiên đã chính thức thừa nhận bắt cóc 13 công dân Nhật Bản vào những năm 1970 – 1980 để đào tạo họ thành điệp viên hay ép buộc họ dạy tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản cho các điệp viên Triều Tiên. Năm người đã trở về Nhật Bản, dù rằng phía Nhật Bản tin rằng số nạn nhân bị bắt cóc lên đến hàng trăm.

Năm 2014, Bình Nhưỡng hứa hẹn sẽ có thêm thông tin mới về những công dân Nhật Bản mà họ bắt cóc, nhưng họ đã không thực hiện cam kết của mình. Niềm hy vọng của các gia đình nạn nhân lại tan vỡ.

“Bốn năm trước, tất cả chúng tôi đều háo hức tin mọi người sẽ trở về, và rồi thất vọng não nề”, bà Morimoto kể với Reuters trong căn nhà nơi bà lớn lên cùng em gái sinh đôi Miho ở Kofu, một thành phố miền Trung Nhật Bản.

“Lần này, thay vì quá hy vọng, chúng tôi chỉ theo dõi những gì đang xảy ra”, bà nói.

Em gái Miho của bà Morimoto có khát vọng vào đại học biến mất ngày 4/6/1984 trên đường đến thư viện. Xe đạp của cô được tìm thấy ở một ga xe lửa ngày hôm sau và túi xách của cô được phát hiện trên bãi biển hẻo lánh cách đó 360km, gần với nơi hai nạn nhân bắt cóc khác được cảnh sát Nhật Bản giải thoát.

Bà Morimoto đã gặp các gia đình tin rằng người thân của họ đang ở trên đất Triều Tiên. Bà thật sự tan vỡ với những câu chuyện tương tự, như bãi biển hẻo lánh và những cú điện thoại im lìm sau khi gia đình đã lên tiếng trả lời. Thỉnh thoảng, gia đình bà Morimoto nghe tiếng khóc nấc nghẹn từ đầu dây bên kia.

Lịch trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim không công khai, mặc dù Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố rằng ông hy vọng bắt đầu thảo luận việc chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên.

Nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thúc giục ông Trump đề cập vấn đề các nạn nhân bị bắt cóc như là trọng tâm của các cuộc thảo luận với Triều Tiên. Ông Trump nhiều lần gặp các gia đình nạn nhân và đã lên tiếng về vấn đề này.

Việc Hoa Kỳ gây áp lực có thể mang lại kết quả mới, bà Morimoto nói và dẫn chứng trường hợp ba công dân Hoa Kỳ được phía Triều Tiên trả tự do trong tháng 5 vừa rồi.

“Thú thật khi ông Trump trở thành tổng thống, tôi đã lo lắng một chút. Nhưng ông ấy rất rõ ràng và thẳng thắn, vì thế thông điệp của ông ta rất dễ hiểu đối với Triều Tiên”, bà nói.

Bà Morimoto đã mòn mỏi trông chờ thông tin của em gái trong nhiều năm. Bà có ba người con đã trưởng thành và mới lên chức bà.

“Căng thẳng tâm lý thật tồi tệ. Nhưng nếu tôi bỏ cuộc, nếu tôi ngừng hy vọng, mọi thứ sẽ chấm dứt. Tôi phải bám víu vào niềm tin dù bất cứ điều gì có thể xảy ra”, bà Morimoto nói.

Ricky Hồ

Nên đọc