"Thổi phồng" công dụng sản phẩm?
Với những lời quảng cáo “có cánh” của Công ty CP Butaba để "mời gọi" khách hàng tin dùng sản phẩm như: “Viên sủi satochi là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ siêu vi nano vào hoạt chất corosolic có trong lá lăng. Dù chỉ mới xuất hiện trên thị trường trong thời gian ngắn nhưng sản phẩm đã được hàng nghìn người bệnh tiểu đường, người có nguy cơ mắc tiểu đường tin tưởng sử dụng và hiệu quả đạt được đã được chứng minh” hay “So với các sản phẩm trên thị trường, Satochi có nhiều ưu điểm nổi trội hơn không chỉ bởi đây là sản phẩm viên sủi cho người bệnh tiểu đường đầu tiên tại Việt Nam, mà dạng viên sủi còn được đánh giá là cho hiệu quả nhanh hơn dạng viên nang, viên nén”.
Sản phẩm Satochi được thổi phồng công dụng, khiến người tiêu dùng hoang mang về chất lượng |
Trong giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 1213/2020/ĐKSP, do Cục ATTP (Bộ Y tế) cấp ngày 19/02/2019 thì sản phẩm Satochi được cấp phép với tên gọi “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi” (cấp cho Công ty CP Butaba, địa chỉ tầng 2, Tòa nhà HH1, ngõ 102 Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội).
Theo tìm hiểu của PV, Satochi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và không thể thay thế được các loại thuốc điều trị tiểu đường khác trong quá trình điều trị. Song, để thu hút khách hàng, Công ty CP Butaba – Đơn vị phân phối độc quyền, lại quảng cáo sản phẩm với những “mỹ từ” rất “đặc biệt” như sử dụng “Ứng dụng công nghệ siêu vi nano vào viên sủi đầu tiên” hay “Sản phẩm viên sủi Satochi cho người bệnh tiểu đường”. Được biết, Satochi được sản xuất tại Công ty CP Dược phẩm Fresh Life (địa chỉ ½ Lô 25+26+29, Cụm CN An Xá, Phường Mỹ Xá, Thành Phố Nam Định, tỉnh Nam Định).
Điều này, dễ khiến cho người tiêu dùng nhầm tưởng sản phẩm này là thuốc dù trên thực tế chỉ là sản phẩm hỗ trợ và không thể khẳng định có những tác dụng đến mức người bệnh có thể bỏ qua việc sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị.
Dùng hình ảnh bệnh nhân, bác sỹ để “ lòe” khách hàng
Có thể thấy, mặc dù viên sủi Satochi chỉ là thực phẩm chức năng, nhưng trên các trang web của mình, Công ty Butaba lại cố tình sử dụng những từ ngữ, hình ảnh gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, bỏ qua tất cả các quy định rất rõ ràng của Bộ Y tế về việc quảng cáo công dụng và vai trò của thực phẩm chức năng.
Sử dụng hình ảnh bệnh nhân để "tùy tiện" quảng bá sản phẩm |
Bên cạnh đó, để nhiều khách hàng an tâm khi sử dụng sản phẩm, những trang web như https://medium.com/@chuyensuckhoesacdep.com/satochi, https://www.satochi.vn/ https://toixanh.com/satochi https://nilp.vn/satochi/ ... còn sử dụng các bài viết, thư cảm ơn của người bệnh để “tâng bốc” hiệu quả của sản phẩm trong khi chưa ai có thể chứng minh được sản phẩm này đã được các cơ quan chức năng kiểm định?
Để tăng tính thuyết phục, lôi kéo người bệnh sử dụng sản phẩm, Công ty CP Butaba đã sử dụng hình ảnh, clip của PGS.TS Trần Quốc Bình, nguyên giám đốc Bệnh viện Y Học Cổ truyền Trung ương để đưa ra lời khuyên bệnh nhân nên sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe Satochi. Cụ thể vị bác sỹ này nói, Satochi là sản phẩm cho người bệnh tiểu đường đầu tiên tại nước ta được bào chế dưới dạng viên sủi...
Đơn vị phân phối Satocho sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo sản phẩm trái quy định |
Hành vi trên của Công ty Butaba - Đơn vị phân phối Satochi có dấu hiệu vi phạm Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15//2018/NĐ – CP ngày 2/2/2018 về hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị cơ sở y tế, bác sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các bệnh viện trực thuộc Trung ương rà soát và thông báo đến toàn thể nhân viên về việc sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị để quảng cáo thực phẩm bởi đây là vi phạm Luật An toàn thực phẩm.
Trước tình trạng đơn vị phân phối sử dụng bác sỹ, người nổi tiếng để “đánh bóng” sản phẩm, tại Hội nghị Khoa học quốc tế về thực phẩm chức năng, PGS. TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Phó Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam từng chia sẻ: “Nhiều diễn viên, người mẫu, thậm chí có cả các bác sĩ, chính trị gia… cầm trên tay một sản phẩm và nói những lời quảng cáo trên trời về công dụng của nó, cho dù họ chưa dùng sản phẩm lần nào, hoặc có dùng nhưng công dụng của sản phẩm không hiệu quả như lời họ quảng cáo… Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng cần lưu ý và phải kiểm soát chặt chẽ. Chúng ta không thể để kiểu quảng cáo này đánh lừa người tiêu dùng”.
Những phản hồi rầm rộ về sản phẩm chữa bệnh "thần kỳ" |
Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định khi tiến hành quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, bắt buộc phải có nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” nhằm giúp người tiêu dùng tránh bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, theo quan sát của PV ở trên các website và trang mạng xã hội thì hầu hết các chuyên mục, thông tin, hình ảnh giới thiệu, quảng cáo về sản phẩm Satochi đều không ghi thông tin này.
Để có thông tin đa chiều, PV đã đặt lịch làm việc với đại diện Công ty CP Butaba - Đơn vị phân phối sản phẩm Satochi. Tuy nhiên, vị đại diện của Công ty này đã tiếp nhận thông tin nhưng sau đó lại phản hồi lại rằng, nội dung làm việc của PV đã được chuyển đến bộ phận phụ trách và sẽ có người thông tin lại cụ thể nhưng cho đến nay PV vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi chính thức nào từ đơn vị.
Hiện nay, thực phẩm chức năng "dởm" kém chất lượng, giả mạo... đang tràn lan nên mỗi người hãy cẩn trọng để tránh "tiền mất tật mang". Đề nghị Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, xử lý vi phạm, yêu cầu công bố công khai tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm viên sủi Satochi để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
PV sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở bài viết tiếp theo.
Hồng Liên