Ngày 18/1, UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) tổ chức họp báo về lễ hội du lịch chùa Hương năm 2016. Theo Ban tổ chức, lễ hội năm nay sẽ được thực hiện một cách trang trọng, đúng nghi lễ, đảm bảo "An toàn, văn minh, lịch sự đạt hiệu quả cao".
Về dịch vụ, tuyệt đối không được bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực Ban tổ chức tại Thiên Trù, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, sân Động Hương Tích... Ban tổ chức nghiêm cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội.
UBND huyện Mỹ Đức tổ chức họp báo lễ hội chùa Hương. |
Phó chủ tịch UBND huyện kiêm trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương là ông Nguyễn Văn Hậu cho biết, năm nay sẽ có khoảng gần 4.400 đò, 11 ca nô với khoảng 8.800 người lái đò đã qua tập huấn để phục vụ du khách. Ngoài ra, còn có 17 tổ tuần tra của công an huyện và sự hỗ trợ của công an thành phố, cùng cán bộ trực ban sẽ tiếp nhận và xử lý các thông tin, tình huống diễn ra tại chùa Hương.
Tất cả các chủ cửa hàng kinh doanh sẽ được tập huấn kỹ và được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do trung tâm y tế huyện cấp. Tình trạng treo móc thịt động vật tại các cửa hàng đã được khắc phục triệt để, không còn gây bức xúc như trước đây nữa.
Theo ông Hậu, việc lưu trú của du khách hiện còn nhiều khó khăn khi chỉ có quy hoạch khu nhà trọ lắp dựng bằng tre tạm thời và khu nhà trọ của người dân bên ngoài. Hiện, chùa Hương chưa có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu chức năng, khi nào có quy hoạch này mới có thể kêu gọi nhà đầu tư, từ đó mới có thể khắc phục được những bất cập hiện nay.
Ngạc nhiên trước thông tin tổng doanh thu 700 tỷ đồng từ lễ hội chùa Hương mà báo chí đề cập trước đó, ông Hậu tính toán: Trung bình mỗi năm chùa Hương đón khoảng 1,4 triệu khách, với mức chi tiêu bình quân 300 – 400 nghìn đồng mỗi người. Trong 400.000 đồng chi tiêu mỗi người gồm: 35.000 đồng tiền đò, cáp treo 140.000, 50.000 đồng mua vé thắng cảnh và còn lại là chi phí ăn uống.
Trong tổng doanh thu khoảng 560 tỷ đồng nhân lên từ con số đó, chùa Hương chỉ thu khoảng 60 – 70 tỷ đồng từ tiền vé, số còn lại là chi phí cho các hoạt động khác là ăn uống, đi lại. Cũng theo ông Hậu, số tiền tối đa thu được 70 tỷ này được chi phí cho công tác phục vụ, đầu tư hạ tầng mất khoảng một nửa.
Liên quan đến một công trình xây dựng trong chùa Hương mà báo chí đã phản ánh, ông Hậu cho biết, công trình này được đặt tên là Hương Nghiêm Pháp Đường. Nguồn gốc xuất xứ của công trình là nhà trọ của Công ty du lịch Hà Tây và Công ty thắng cảnh Hương Sơn. Năm nay, công trình được bàn giao lại cho nhà chùa làm nhà khách phục vụ ăn, nghỉ cho tăng ni.
Trước ý kiến của dư luận và các chuyên gia, ông Hậu cho biết, trước hoặc sau Tết Nguyên đán sẽ điều chỉnh lại một số chi tiết cho phù hợp hơn. Chẳng hạn ống thoát nước hình rồng không phù hợp sẽ điều chỉnh có thể thay bằng hình cá chép. Một số cột đá nhỏ, tháp bài trí đằng trước khu nhà sẽ di chuyển đi và thay bằng cây cảnh...
Theo Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - ông Nguyễn Văn Hoạt, lễ hội chùa Hương năm nay là dịp đặc biệt, khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vừa kết thúc và bước vào nhiệm kỳ mới. Do vậy, lễ hội chùa Hương càng nhận được sự quan tâm hơn của dư luận, công chúng. Điều đó, đòi hỏi công tác tổ chức phải được nâng cao cao hơn với các giải pháp kỹ càng hơn với các quy định rất chặt chẽ.
Tại chùa Hương năm nay sẽ quy hoạch 318 gian hàng phục vụ ăn uống, giải khát và dịch vụ khác để phục vụ du khách. Vấn đề đổi tiền lẻ, vệ sinh môi trường, hay tình trạng đeo bám khách, taxi dù... sẽ được quan tâm, xử lý tối đa.
"Đến chùa Hương là đến với vùng tâm linh vì thế cần phải có hành xử đẹp để lễ hội thực sự để lại ấn tượng vào những ngày đầu năm và đưa may mắn đến với mỗi gia đình", ông Hoạt chia sẻ.
Tin tức mới nhất mời bạn đọc xem thêm tại đây.
Theo Dũng Nguyễn/Tiền Phong