Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

(CL&CS)- Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động Quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm giai đoạn 2023-2027.

Mới đây tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp một số đơn vị tổ chức Hội thảo: "Xây dựng và thực thi chính sách thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm: Kinh nghiệm ở EU, Thái Lan, sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức xã hội".

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Nhật Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển cho rằng, thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Chính vì vậy, Liên hợp quốc đã công bố các nguyên tắc hướng dẫn về Kinh doanh và Quyền con người (UNGPs) nhằm thúc đẩy nội dung này trên quy mô toàn cầu, hướng tới hỗ trợ từng quốc gia cụ thể hóa thành chương trình hành động.

Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Huấn – Chuyên gia kinh doanh có trách nhiệm, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam cho rằng, trong quá trình triển khai thực hành kinh doanh có trách nhiệm, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Các chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện; chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh, các dự án về môi trường; thiếu sự hỗ trợ từ các hiệp hội ngành/nghề trong việc liên kết nhằm tăng năng lực cạnh tranh; khác biệt về mô hình, văn hóa, tư duy và cách tiếp cận của từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc tuân thủ kinh doanh có trách nhiệm vì quy định của pháp luật mà chưa thấy rõ động lực, lợi ích từ hoạt động này mang lại.

Đại diện AHK Việt Nam, bà Lành Huyền Như - Quản lý dự án khẳng định: Kinh doanh có trách nhiệm đối với con người và môi trường đang trở thành một trụ cột quan trọng trong môi trường kinh doanh của thế kỷ 21.

Bà Brenda Candries - đại diện của Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh: Liên quan đến hợp tác giữa EU với Việt Nam, chuyển đổi xanh và thực hành kinh doanh có trách nhiệm là nội dung được phản ánh ở 2 trong số 3 lĩnh vực ưu tiên của Chương trình viện trợ đa niên (MIP) giai đoạn 2021–2027 nhằm hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn kỹ thuật số thích ứng với khí hậu; và tinh thần kinh doanh có trách nhiệm và nâng cao kỹ năng để có việc làm thoả đáng.

Đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam Brenda Candries chia sẻ tại Hội thảo.

Phái đoàn EU tại Việt Nam và các quốc gia thành viên EU đã thống nhất hợp tác cùng nhau, theo cách tiếp cận nhóm Châu Âu, với những ưu tiên giống nhau, với trọng tâm ban đầu là việc làm thoả đáng và tinh thần kinh doanh có trách nhiệm để hỗ trợ áp dụng hiệu quả các công ước cơ bản của Tổ chức lao động thế giới tại Việt Nam.

Thông qua Hội thảo đã đóng góp góc nhìn, chia sẻ thông tin kinh nghiệm về xây dựng và thực thi chính sách thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm từ các nước thuộc EU, Thái Lan. Để từ đó tham vấn ý kiến khối quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và chuyên gia về thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong bối cảnh Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN