Mức tăng GDP 6 tháng đạt 6,42%
Nhìn lại vòng 5 năm trở lại đây, mức tăng GDP 6 tháng đạt 6,42% của năm nay là mức tăng cao thứ 2, chỉ sau mức tăng của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 5 năm trở lại đây.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Quý II năm 2024, tăng trưởng kinh tế thế giới có xu hướng tích cực nhờ nhu cầu hàng hóa tăng trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, giá trung bình của hàng hóa giảm nhẹ nhờ nguồn cung cải thiện. Đến thời điểm tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế UN, WB, OECD, EU và IMF đều nhận định lạc quan hơn và điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu với mức tăng từ 0,1 đến 0,3 điểm phần trăm so với các dự báo đưa ra trước đó.
Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước (Nguồn: Tổng cục Thống kê)
Trong nước, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP về phát triển kinh tế – xã hội; Nghị quyết 02/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu của kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024.
Tình hình kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm 2024 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.
Cụ thể, trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi, tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm 2024 của nước ta tiếp tục khởi sắc với mức tăng 6,42% (trong đó quý II tăng 6,93%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%. Khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%; trong đó tăng trưởng của một số ngành dịch vụ thị trường như sau: Bán buôn, bán lẻ tăng 7,34%; vận tải kho bãi tăng 11,02%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,94%.
Nhờ thực hiện tốt quy định và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, lúa đông xuân được mùa, được giá, sản lượng một số cây ăn quả chủ yếu đạt khá do nhu cầu xuất khẩu tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định; khai thác gỗ được đẩy mạnh; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng cao nhờ thực hiện tốt quy định và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Hình minh họa
Năng suất lúa đông xuân năm nay ước đạt 68,8 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 20,32 triệu tấn, tăng 132,5 nghìn tấn. Sản lượng thu hoạch sáu tháng đầu năm 2024 của một số cây ăn quả tăng khá như: Sầu riêng tăng 17,4%; chanh leo tăng 9,3%; đu đủ tăng 6,3%; ổi tăng 5,6%; na tăng 3,1%.
Trong sáu tháng đầu năm 2024, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng sữa bò tươi tăng 5,5%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 5,1%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng 4,9%; sản lượng trứng gia cầm tăng 5,1%.
Diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước sáu tháng đầu năm 2024 ước tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán tăng 2,9%; sản lượng gỗ khai thác tăng 6,3%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 2.431,4 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng cá tra đạt 831,8 nghìn tấn, tăng 5,4% do tiết kiệm được chi phí với chu trình sản xuất khép kín tại các vùng nuôi của doanh nghiệp; nuôi tôm thẻ chân trắng được thực hiện theo đúng quy trình và lịch thời vụ, đồng thời giá tăng từ 5-10 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước đã kích thích người dân thả nuôi, sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 332,7 nghìn tấn, tăng 5,6%.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với chỉ số sản xuất tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước[2]. Chỉ số sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm 2024 tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 8,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13%, nhờ đó đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Ngành du lịch duy trì mức tăng cao với các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh. Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 6/2024 ước đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Đây là những tín hiệu khả quan để có thể hiện thực mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.
Sản xuất kinh doanh tăng tốc
Tăng trưởng thương mại thế giới được cải thiện đã tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2024 sơ bộ đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng tăng khá: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 52,9%; cà phê tăng 34,5%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 32,6%; chè tăng 32,1%; gạo tăng 32%; hạt tiêu tăng 30,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 28,6%; rau quả tăng 28,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 22,2%; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày may, da, giày tăng 11,1%…
Cán cân thương mại hàng hóa sáu tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD), góp phần tạo động lực sản xuất và kích thích xuất khẩu.
Thu hút vốn đầu tư trong sáu tháng đầu năm 2024 tăng cao, phản ánh sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn FDI đăng ký mới tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội sáu tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I đạt 617,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8%; quý II đạt 834,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%.
Tính đến ngày 20/6/2024, cả nước có 1.538 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nước ngoài với số vốn đạt 9.536,8 triệu USD, tăng 18,9% về số dự án và tăng 46,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước có 1.293 dự án và vốn đăng ký đạt 6.492,1 triệu USD). Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 10,8 tỷ USD, tăng 8,2 so với cùng kỳ năm trước, là mức thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2020-2024
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi sau nhiều tháng gặp khó khăn, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong sáu tháng đầu năm 2024 đạt 119,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110,3 nghìn doanh nghiệp.
Kinh tế tăng trưởng khởi sắc đã tác động tích cực đến thu ngân sách Nhà nước. Thu ngân sách Nhà nước sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.020,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa đạt gần 857 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3% và tăng 18,1%.
Lao động có việc làm và thu nhập bình quân của người lao động sáu tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước; công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Lao động có việc làm trong sáu tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân lao động ước tính đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% (tương ứng tăng 519 nghìn đồng).
Ông Lưu Tiến Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: "Các doanh nghiệp Việt Nam đã hướng đến sản xuất bền vững sản xuất xanh, hướng đến nhóm hàng chất lượng cao, đáp ứng giao hàng nhanh và sản xuất linh hoạt của các đối tác đặt ra".
Với đà sản xuất kinh doanh tăng tốc như vậy, các chính sách về thuế, phí, lệ phí, lãi suất đang phát huy hiệu quả, hỗ trợ cho sản xuất và tổng cầu của nền kinh tế. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống ngân hàng đến hết tháng 5 đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21% dư nợ toàn nền kinh tế. Theo các chuyên gia, tỷ lệ này còn gia tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm.
Tạo lực đẩy và phát huy tối đa tác động của vốn đầu tư công
Đầu tư công là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các địa phương, vấn đề giải phóng và bàn giao mặt bằng cho các dự án quan trọng, trong điểm đã có chuyển biến. Đây là nguồn lực dẫn dắt các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển.
Điều có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm nay đó là Chính phủ đã tạo lực đẩy và phát huy tối đa tác động của vốn đầu tư công. Đây tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại.
Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, đoạn cuối cùng thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam nối xuyên suốt từ cửa khẩu Hữu Nghị tới mũi Cà Mau vừa được khởi công trong quý II, với tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Hiện có hơn 1.000km đường bộ cao tốc vẫn đang tiếp tục được triển khai trên cả nước. Hàng trăm km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác. Năm nay cả nước dành 422.000 tỷ đồng để đầu tư cho lĩnh vực giao thông. Khâu chuẩn bị để giải ngân đã được thực hiện rốt ráo trong nửa đầu năm, hứa hẹn có những bước chuyển đáng kể trong 2 quý tiếp tới đây.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, bàn về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Đồng thời, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Chính phủ tiếp tục đổi mới quy trình, nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập kéo dài; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông…
Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng năm nay, cần tiếp tục thực hiện đầy đủ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được nêu trong Nghị quyết số 93 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô với phương châm: Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành; Không điều hành giật cục. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, "tập trung, có trọng tâm, trọng điểm", "làm việc nào dứt điểm việc đấy". Cùng với đó là sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, quyết tâm đạt những kết quả tốt nhất trong cả năm nay.