Cụ thể, dự án có công suất 3.200 MW với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD, tức là khoảng hơn 91 nghìn tỷ đồng và giá bán điện dự kiến sẽ khoảng 7 cent/1 kWh. Nếu nhận được sự ủng hộ, hợp tác và giúp đỡ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam, các nhà đầu tư dự kiến trong 3 năm nữa sẽ phát điện tổ máy đầu tiên với công suất 1.000 MW.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, lượng khí thải của nhà máy rất thấp so với nhiệt điện than và hầu như không có chất thải khác gây ô nhiễm môi trường.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận dự án này khả thi, mức giá 7 cent/1 kWh là hợp lý, thấp hơn so với giá điện được sản xuất từ nhiệt điện than và điện gió, điện mặt trời.
Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tiềm năng rất lớn để đầu tư các dự án điện khí, hiện có rất nhiều nhà đầu tư đang quan tâm muốn đầu tư xây dựng nhà máy điện khí tại khu vực này.
Thủ tướng hoan nghênh các đối tác đã quan tâm tìm hiểu và đề xuất đầu tư dự án. Nhất trí với các ý kiến cho rằng dự án có nhiều điểm ưu việt, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với EVN và các bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh Tổng sơ đồ điện VII, nếu dự án tính khả thi cao thì bổ sung dự án này để có thể phát điện 1.000 MW vào năm 2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là dự án có vốn đầu tư lớn, nên trong mọi khâu phải làm nghiêm túc, bài bản, đúng quy trình. Dự án phải bảo đảm hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường, giá điện phải có tính cạnh tranh cao và bảo đảm đúng tiến độ của dự án.
Bảo Linh