Thủ tướng làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt của TPHCM

(CL&CS) - Ngày 8/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt của TPHCM.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành; tham dự tại đầu cầu TPHCM có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo Thành phố.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt của TPHCM

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết, TPHCM là đô thị đặc biệt, có vị trí rất quan trọng đối với nước ta cả về kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học-công nghệ…

Thủ tướng đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của TPHCM, hết sức năng động, quyết liệt và rất thành công. Trong khó khăn của thế giới và trong nước, Thành phố luôn năng động, sáng tạo, có nhiều mô hình kinh doanh mới, tốt cho nền kinh tế không bị đổ gãy; đã phát huy truyền thống thành phố nghĩa tình, tương thân tương ái, trong đó có “ATM gạo” cho người nghèo cũng như các hình thức hỗ trợ của nhiều doanh nhân. Đây cũng là một trong những địa phương triển khai sớm nhất gói hỗ trợ an sinh xã hội. Đến nay, phần lớn đối tượng khó khăn đã được quan tâm xử lý.

Thành phố chiếm khoảng 22-23% GDP của cả nước; chiếm 25% ngân sách cả nước, 33% dịch vụ cả nước… Do đó, theo Thủ tướng, nếu TPHCM suy giảm sâu về kinh tế, cả nước sẽ bị ảnh hưởng và giảm thu ngân sách.

Thủ tướng cho biết, theo số liệu được TPHCM báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM đạt 0,42% nhưng đến nay, sau khi rà soát lại (theo báo cáo mới nhất mà Tổng cục Thống kê vừa trình Thủ tướng) thì TPHCM tăng trưởng 1,03%. Nếu như vậy, trong quý I/2020, tăng trưởng GDP của cả nước không chỉ đạt 3,82% mà sẽ cao hơn. “Đây không phải bệnh thành tích mà phải phản ánh trung thực kinh tế, nhất là kinh tế TPHCM”, Thủ tướng nói. Tuy vậy thì tốc độ tăng trưởng nêu trên cũng là thấp.

Với vị trí của Thành phố lớn như vậy, Thủ tướng đặt câu hỏi, TPHCM có những giải pháp gì trong thời gian tới? Thành phố phải chủ động ra sao trong khôi phục kinh tế? Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề này. “Giải pháp gì tới đây mà Trung ương phải chỉ đạo để tạo điều kiện, nhất là các công trình kết nối cho TPHCM?”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ lắng nghe kiến nghị của TPHCM để cố gắng xử lý trong phạm vi trách nhiệm của Chính phủ và TPHCM, nhất là với những công trình dở dang. Những biện pháp, những quyết sách, giải quyết kiến nghị của TPHCM, tháo gỡ vướng mắc cho Thành phố là nội dung quan trọng của cuộc làm việc, với tinh thần là TPHCM phải hướng đến đô thị hiện đại, điển hình của khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng đánh giá, việc kinh tế Thành phố tăng trưởng 1,03% là một cố gắng với một thành phố mà ngành dịch vụ chiếm 60% trong bối cảnh phải thực hiện “giãn cách xã hội”. 

Dẫn lại phát biểu của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, chỉ có 3% số doanh nghiệp rời thị trường, còn lại 97% tồn tại, “đang chờ ngày hội ngộ phát triển, chủ yếu chờ cầu mà thôi”, Thủ tướng cho rằng, đây là điều kiện quan trọng.

Thủ tướng nhìn nhận, quyết tâm của Thành phố rất cao, nuôi chí lớn, không chỉ cho Thành phố mà đóng góp cho cả nước. “Cụ thể, năm 2020, các đồng chí đã quyết tâm đạt trên 6% tăng trưởng”. Với con số này, Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng khoảng 5%, dẫn đầu trong khu vực.

“TPHCM là lò xo nén đủ rồi, hãy bung ra ngay và trở lại chính mình”, Thủ tướng nói. TPHCM không chỉ, không phải và không được là chữ U hoặc chữ W trong phát triển mà phải là chữ V.

Do đó, làm thế nào để trong 3 quý còn lại của năm 2020, Thành phố tăng trưởng và phát triển kinh tế xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của mình. TPHCM phải trở lại vị thế là cực tăng trưởng kinh tế, đầu tàu kinh tế của cả nước. Việc đạt được chỉ tiêu tăng trưởng trên 6% của Thành phố không chỉ là lời cam kết mà còn là trách nhiệm với đất nước. TPHCM không chỉ thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 mà sẽ thành công trong phát triển kinh tế xã hội năm 2020. 

Đây chính là uy tín, là hình ảnh của thành phố mang tên Bác, là hành động thiết thực phục vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố năm 2020, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.

Đề nghị Thành phố phát huy cao độ phương châm "thần tốc, táo bạo, quyết thắng" của những ngày tháng Tư lịch sử 45 năm trước để kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng mong muốn, TPHCM cần hành động nhanh hơn nữa, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.

Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất nằm ngay trong chính mỗi người chúng ta, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chúng ta phải khắc phục được con virus trì trệ trong một số sở, ban, ngành.

Thủ tướng nêu rõ, doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với tăng trưởng, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố phải chung sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, vượt khó. Giờ đây, mỗi công dân Thành phố, mỗi doanh nghiệp là một chiến sĩ, hãy coi đây là cuộc thử thách bản lĩnh và trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam tại một trung tâm năng động, sáng tạo.

Cho rằng Thành phố cần nhìn lại chính mình, Thủ tướng lấy ví dụ, năm 2019, Thành phố chỉ triển khai được vỏn vẹn vài dự án bất động sản so với hàng trăm dự án những năm trước, “nguyên nhân do đâu, đùn đẩy trách nhiệm hay cơ chế thể chế”.

Giải ngân vốn đầu tư là việc cần làm ngay của Thành phố. Vốn thực hiện ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 của TPHCM chỉ đạt 9,2 %, thấp hơn mức bình quân cả nước. “Chúng ta có suy nghĩ gì khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng rất khó nhưng vẫn giải ngân gấp 2-3 lần”.

“Đây có phải là điểm nghẽn cho phát triển kinh tế Thành phố trong 4 tháng hay không?”. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Thành phố cần phân tích kỹ và có ngay giải pháp khắc phục. Thành phố đạt mục tiêu đến tháng 10 năm nay tỷ lệ giải ngân đạt 80%, cuối năm đạt 100% thì phải làm cho tốt và cố gắng hết sức. 

Thành phố cần đón những cơ hội vàng khi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Việt Nam là điểm đến an toàn. Thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, tốt hơn nữa để vực dậy sức sống mãnh liệt của các thành phần kinh tế.

Từng bộ, ngành phải sát vào tháo gỡ cho Thành phố, trong vòng 5-7 ngày phải xử lý giải quyết, trình lên phương án, không để tình trạng ngâm hồ sơ lâu, không được để tiêu cực tham nhũng xảy ra trong quá trình thực hiện, xử lý các dự án mà Thành phố trình…

Các cán bộ của Thành phố cần lăn xả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, bỏ thói quen bị động. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cũng như các cơ quan của Thành phố tâm huyết, thay đổi cách làm, nếp cũ, suy nghĩ cũ.

Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý một số tồn tại, bất cập, trước hết là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TPHCM tiếp tục đi xuống qua các năm, năm 2019 đã rời khỏi tốp 10, xếp hạng 14/63, tụt 4 bậc so với 2018; năm 2018 giảm 2 bậc so với năm 2017. Ngoài ra, còn có các tồn tại về ách tắc giao thông, ô nhiễm, khói bụi, chất thải, an ninh trật tự, cổ phần hóa doanh nghiệp…

Về nhiệm vụ, phương hướng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là TPHCM trở thành đô thị hiện đại điển hình của khu vực và của thế giới, một thành phố thông minh, một thành phố xanh đáng sống để người dân có thể hưởng lợi công bằng từ những thành quả phát triển mang lại.

TPHCM sớm hoàn thành đề án phát triển Thành phố thành trung tâm tài chính khu vực, tạo nền tảng cho phát triển Thành phố thành trung tâm khoa học công nghệ.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến xử lý các kiến nghị cụ thể của Thành phố với tinh thần tạo mọi điều kiện cho Thành phố phát triển. Thủ tướng bày tỏ ủng hộ đề xuất của TPHCM về Khu đô thị sáng tạo phía Đông./.

Minh Anh

Nên đọc