Tối 30/5/2015 theo giờ địa phương, tại thủ đô Astana, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại sự kiện công bố các nội dung của Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam (EEUV-FTA) được lãnh đạo các nước thành viên ký kết vào chiều tối 29/5. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức với sự có mặt của đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp do các kiều bào điều hành tại các nước Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan.
Thay mặt Đoàn đàm phán Hiệp định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết EEUV-FTA có 15 chương, 187 điều là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ngoài các nội dung về thương mại, dịch vụ, đầu tư như các Hiệp định thế hệ cũ, EEUV-FTA còn bao gồm các nội dung về sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, mua sắm Chính phủ, nguyên tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Ngay sau khi có hiệu lực, EEU dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan đối với các nhóm hàng như nông sản, dệt may, da dày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến - những mặt hàng hiện đang phải chịu mức thuế suất cao (thủy sản thuế suất 18%; dệt may, da dày 10-13%...).
Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp Việt Nam tại Kazakhstan |
Đối với mặt hàng thủy sản, EEU sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng và số lượng không hạn chế. Đối với dệt may, da dày, phần lớn mặt hàng có mức thuế suất về 0%, số còn lại cũng sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình cam kết. Về tổng thể, hai bên sẽ dành cho nhau mức mở của thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương. Về đầu tư, Nga và các nước thành viên EEU sẽ đầu tư vào Việt Nam các dự án về công nghiệp chế tạo, cơ khí, khai khoáng… (hiện Nga là nhà đầu tư chủ yếu tại Việt Nam với 19 dự án và tổng vốn 2,5 tỷ USD); ngược lại Việt Nam sẽ đầu tư và các nước thành viên EEU các dự án về công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ, dệt may, da dày… (hiện Việt Nam chủ yếu đầu tư vào Nga với 106 dự án trị giá gần 2 tỷ USD).
“Triển vọng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào các nước thành viên EEU là rất lớn và các nước EEU cũng đang xem xét đầu tư một số dự án lớn vào Việt Nam. Còn đối với thương mại, kim ngạch song phương dự báo con số thấp nhất sẽ tăng từ mức 4 tỷ USD hiện nay lên 10 tỷ USD sau 5 năm nữa” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chia sẻ.
Chia sẽ những cơ hội từ EEUV-FTA, ông Lê Tiến Trường, Tập Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết hiện thị trường các nước EEU nhập một năm khoảng 17 tỷ USD hàng dệt may song thị phần của Việt Nam tại các thị trường này chỉ chiếm 2%. “Chúng ta xuất khẩu mỗi năm 27 tỷ USD hàng dệt may ra thế giới, là nước đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này, đã đứng được ở những thị trường khó tính nhất thì không thể không đứng được tại thị trường của EEU” - Ông Trường phát biểu và tin tưởng với EEUV-FTA, kim ngạch hàng dệt may Việt Nam và EEU sẽ tăng trưởng 50% ngay trong năm đầu tiên và tăng trung bình 20% trong 5 năm tiếp theo; kim ngạch tăng từ 700 triệu USD hiện nay lên 1 tỷ USD trong 1-2 năm tới và Việt Nam sẽ từ vị trí nhà cung cấp hàng dệt may thứ 8 hiện nay tiến lên vị trí thứ 4 tại thị trường EEU.
Phát biểu tại buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các Bộ, ngành và doanh nghiệp đã tổ chức cuộc gặp này để thông báo nhanh nội dung của Hiệp định cũng như thông tin các công việc triển khai Hiệp định.
Thủ tướng cho biết EEU là một liên minh kinh tế có quy mô kinh tế khá lớn và trình độ phát triển khá cao; là các quốc gia có tiềm lực và có vị trí, vai trò quan trọng trên thế giới; đồng thời cả 5 nước đều có quan hệ hữu nghị truyền thống hết sức tốt đẹp với Việt Nam. Việc ký FTA với EEU đã đưa Việt Nam trở thành một thành viên có quan hệ kinh tế bình đẳng, cùng có lợi với các nước này; đồng thời thể hiện sự coi trọng của các nước thành viên EEU với vai trò và vị trí của Việt Nam; là sự ủng hộ của các nước EEU đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của Việt Nam. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý FTA này một mặt đem lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam song cũng đặt ra những khó khăn và thử thách mới phải vượt qua. Chỉ riêng đối với dệt may, Hiệp định này theo dự báo có thể tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EEU lên gấp 5 lần, từ 4 tỷ USD hiện nay lên 20 tỷ USD. Tuy nhiên ngược lại, Việt Nam cũng phải hạ thuế, mở của thị trường cho hàng hóa của các nước như thịt, sữa, lúa mỳ, máy móc, thiết bị, vật tư.
“Đừng nghĩ đây là những thị trường dễ tính như chúng ta vẫn suy nghĩ. Chúng ta phải cạnh tranh bằng chất lượng, làm ăn nghiêm chỉnh, phải thấy thuận lợi, lợi thế để phát huy nhưng cũng phải thấy khó khăn để cùng nỗ lực vượt qua. Tất cả là vì lợi ích của đất nước, sự phát triển của nền kinh tế, là công ăn việc làm của người dân” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội tổ chức thông tin rộng rãi và cụ thể về nội dung cũng như các khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai EEUV-FTA cũng như các FTA khác đã và sẽ ký kết đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần có các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi phân phối tại thị trường nước ngoài, thanh toán cũng như tập hợp, liên kết, gắn kết các doanh nghiệp.
“Chúng ta thấy một sự thật là từng người một thì làm rất giỏi nhưng nhiều người phối hợp thì làm rất dở. Cạnh tranh hạ giá để triệt, phá nhau, gây thiệt hại đến lợi ích chung. Tôi hy vọng chúng ta, các doanh nghiệp tất cả cùng nỗ lực gắn kết, hợp tác, vì lợi ích chung để biến tiềm năng, khả năng, cơ hội thành kết quả tốt nhất” - Thủ tướng chia sẻ.
Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan có diện tích 20 triệu km vuông (chiếm 15% diện tích thế giới); dân số 183 triệu người. GDP khoảng 4.500 tỷ USD (chiếm 6% GDP toàn cầu). Giá trị sản xuất công nghiệp là 1.300 tỷ USD (chiếm 11% toàn cầu); sản xuất 30,2% lượng phân bón, 4,5% sắt thành phẩm, 4,5% quặng sắt của thế giới. Tổng giá trị thương mại 900 tỷ USD (chiếm 5% toàn cầu). Các nước thuộc EEU là những quốc gia có trữ lượng tài nguyên phong phú, khổng lồ với tổng trữ lượng dầu mỏ 100 tỷ thùng (chiếm 17% trữ lượng thế giới); đứng thứ nhất về trữ lượng khí đốt (19% ); thứ 3 về sản lượng điện (chiếm 5,5%); thứ 4 về sản lượng than (chiếm 5,8%). Trong lĩnh vực nông nghiệp, EEU đứng thứ nhất thế giới về sản lượng hạt hướng dương (chiếm 24%); 17,6% đường; 11,3% khoai tây; 9,7% lúa mỳ; 3,2% thịt; 4,3% ngũ cốc; 1,9% rau quả.
Tin tức mới nhất về xã hội mời bạn đọc xem thêm tại đây.
PV