Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng của năm 2020; kinh tế - xã hội cả năm 2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2021; việc mở rộng phạm vi và đối tượng của dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động năm 2020 của Tổng Cục Thuế, Tổng cục Hải quan; dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và một số kiến nghị của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ...
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đến nay, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19 trong khi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp (ngày 3/9 có tới 220.000 ca mắc mới). Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, không được chủ quan trước dịch bệnh nhưng cũng không thể đóng cửa, vẫn phải lo sản xuất kinh doanh, việc làm cho người lao động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 8/2020. Ảnh: Quang Hiếu |
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát; tỷ giá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm để hỗ trợ sản xuất. Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%; xuất siêu gần 12 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét; nhiều địa phương đã cam kết giải ngân đạt 100% trong năm nay. Đời sống nhân dân ổn định; các lĩnh vực văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng, trong đó đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về các tồn tại, khó khăn cần được quan tâm chỉ đạo khắc phục, ứng phó trong thời gian tới.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, tháng 8 và 8 tháng của năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cả nước đã tập trung mọi nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, qua đó vừa kiểm soát được dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh các giải pháp phục hồi kinh tế. Kinh tế vĩ mô 8 tháng cơ bản duy trì ổn định, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững; lượng dự trữ ngoại tệ dồi dào, đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu ngoại tệ; thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo. Chỉ số giá tiêu dùng ổn định, tính chung 8 tháng tăng 3,96% so với cùng kỳ. Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được bảo đảm. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cải thiện so với cùng kỳ năm trước, trong 8 tháng đạt 47% kế hoạch (cùng kỳ là 41,39%). Tình hình sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi; công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, với diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch COVID-19 trong khi chưa có thuốc đặc trị và sản xuất vắc-xin mới ở giai đoạn thử nghiệm bước đầu, tình hình thế giới và trong nước vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, tác động của đợt bùng phát lần 2 của dịch đã vượt quá khả năng chịu đựng của một số ngành, lĩnh vực và nhiều doanh nghiệp, nhất là những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp như vận tải hàng không, du lịch, lưu trú, lữ hành, ăn uống, sản xuất dệt may, da giày, xuất khẩu nông sản...
Về nhiệm vụ thời gian tới, các thành viên Chính phủ cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn lây lan mạnh trên toàn cầu trong khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, việc chống dịch cần được xác định là một cuộc chiến trường kỳ, cần phải chung sống với dịch bệnh khi chưa có vắc xin hoặc thuốc đặc trị. Phải thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đề phòng, phong tỏa kiên quyết, chặn đứng nguồn lây, khống chế hiệu quả dịch bệnh, vừa phải duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội ở mức độ cần thiết, nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, tranh thủ và tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi nhanh và phát triển bền vững các hoạt động kinh tế.
Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng đóng góp ý kiến về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát sản xuất, kinh doanh; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy phát triển kinh tế trên các ngành, lĩnh vực gắn liền với thực hiện hiệu quả, đồng bộ công tác phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ và đại biểu tham dự, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đến nay, cơ bản dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cho phép chúng ta khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội, trừ một vài khu vực nhỏ lẻ. Kết quả này tạo cơ sở cho phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021. Mục tiêu kép vẫn phải kiên trì triển khai thực hiện; cố gắng phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất nhưng không được chủ quan với dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh điểm sáng xuất khẩu 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD và xuất siêu đạt cao nhất trong 4 năm qua. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch xuất khẩu tăng 15,3%.
Lạm phát đang được kiểm soát tốt, giảm dần xuống dưới mức mục tiêu đề ra nhưng Thủ tướng cũng lưu ý không được chủ quan, lạm phát dưới 4% là khả thi nhưng đòi hỏi phải phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa tốt hơn nữa.
Giải ngân vốn đầu tư công duy trì đà tăng tích cực, tổng mức thực hiện 8 tháng đạt hơn 250 nghìn tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ. Một số thủ tục về đầu tư các công trình trọng điểm của Bộ Giao thông vận tải đã được giải quyết. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với quyết tâm chỉ đạo như vừa qua, tiếp tục thực hiện điều chuyển vốn sang các Bộ, cơ quan và địa phương có nhu cầu bổ sung vốn.
Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của COVID-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh, bao gồm 4 nhân tố: nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối; đặc biệt, các cân đối vĩ mô được duy trì ổn định.
Nông nghiệp nông thôn ổn định, người nghèo, đối tượng chính sách tiếp tục được quan tâm. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông được chuẩn bị kỹ và đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho thí sinh dự thi (đợt 1 với 96,3% số thí sinh dự thi và hiện nay còn khoảng 3,7% thí sinh đang dự thi đợt 2).
Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh. Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch AIPA; đồng thời tiếp tục phối hợp và hỗ trợ các nước trong phòng, chống dịch bệnh.
Tuy vậy, chúng ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế, lớn nhất hiện nay là COVID-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước và khu vực. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang; cạnh tranh địa chính trị gay gắt; thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, cũng có cảnh báo về bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền bơm ra lớn nhưng khả năng hấp thụ còn yếu, có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính. Thủ tướng đề nghị cần hết sức lưu tâm đến vấn đề này.
Dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát nhưng có thể bất ngờ xuất hiện trong cộng đồng do nhiều nguồn lây, đòi hỏi không được chủ quan, lơ là, không được để dịch bệnh quay trở lại. Kiên quyết khoanh vùng, dập dịch thần tốc, thực hiện chiến dịch “5K” (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung đông người, Khai báo y tế) như quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nêu ra tại phiên họp.
Tiêu dùng còn chưa phục hồi. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn. Chỉ số PMI trong tháng 8 giảm. Thu hút vốn FDI có tiến bộ, đạt được gần 20 tỷ USD nhưng có hiện tượng chững lại, giảm so với cùng kỳ. “Chúng ta ghi nhận kết quả nhưng phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, xúc tiến tốt hơn để FDI vào Việt Nam tốt hơn”, Thủ tướng phát biểu.
Tuy số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 8 tháng tăng 27,9%, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 8 có tăng lên so với tháng trước nhưng lũy kế 8 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ; hoạt động doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Số lượngviệc làm mới giảm 16,5%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải điều hành chủ động, linh hoạt, tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có; đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển mạnh thị trường trong nước; kích cầu tiêu dùng nội địa; thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là dòng vốn đang dịch chuyển trong khu vực và thế giới.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành cả năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội, trong đó lưu ý xem xét tốc độ tăng trưởng năm 2021 khoảng 6-6,5%.
Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào để phấn đấu tăng trưởng mức cao nhất. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại.
Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến.
Bộ Công Thương, các địa phương có chương trình hành động cụ thể để thực hiện trong 4 tháng cuối năm. Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, phải có những chính sách cụ thể về du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...
Tiếp tục đôn đốc, giám sát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; những chủ trương, biện pháp, nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần được đẩy mạnh triển khai; lưu ý không vì mục tiêu thúc đẩy giải ngân nhanh mà làm ẩu, gây lãng phí, kém hiệu quả hay báo cáo không trung thực.
Thủ tướng một lần nữa yêu cầu các bộ có liên quan, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư để thu hút FDI có sàng lọc, đạt hiệu quả cao.
Về tổ chức khai giảng năm học mới, Thủ tướng yêu cầu gọn nhẹ, an toàn, làm sao động viên thầy cô giáo và học sinh trong năm học này dạy tốt, học tốt.
Về việc mở lại các chuyến bay thương mại, cần kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm năng lực cách ly và khả năng giám sát y tế, không được để dịch bệnh lây lan. Ngành y tế đề xuất phương án cách ly phù hợp đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao./.
Hoàng Hiệp