Hiệp định chính thức có hiệu lực đã mở ra nhiều thời cơ và cả thách thức đối với nước ta. Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hợp tác đẩy mạnh quan hệ thương mại, công nghiệp, kết nối đầu tư… tuy nhiên trước những thời cơ là thách thức với các nhà hoạch định chính sách để làm sao những cam kết này mang lại được lợi ích thực tế cho doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai, và thách thức với các doanh nghiệp trong nước về việc làm sao có thể tận dụng, vận dụng những cam kết này để mang lại lợi thế cho hàng hoá của mình khi xuất khẩu sang Châu Âu.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA
|
Để triển khai Hiệp định EVFTA hiệu quả, ngày 6/8/20202 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu với mục tiêu nhằm phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác khiển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định.
Quyết định 1201/QĐ-TTg đưa ra 5 nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: Tuyên truyền phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường các nước EU; Xây dựng pháp luật, thể chế; Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; Chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao đồng tại cơ sở doanh nghiệp; Chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong đó đối với vấn đề hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chú trọng thúc đẩy thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với EU, đặc biệt đối với sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang EU. Đây là nội dung trong cam kết giữa EU và Việt Nam về đánh giá sự phù hợp trong Chương TBT của Hiệp định EVFTA. Thực hiện tốt nội dung này sẽ giúp thuận lợi hoá thương mại của hàng hoá Việt Nam sang Châu Âu.
Đồng thời Quyết định này của Thủ tướng cũng đã chỉ định danh sách các cơ quan đầu mối triển khai thực hiện từng Chương của Hiệp định. Cụ thể, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm triển khai thực hiện đối với các Chương như: Mục tiêu và định nghĩa chung, Phòng vệ thương mại, Các rào cản phi thuế quan đối với Thương mại và Đầu tư trong sản xuất năng lượng tái tạo; Chính sách cạnh tranh; Doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, doanh nghiệp được cấp đặc quyền hoặc ưu đãi đặc biệt và doanh nghiệp độc quyền chỉ định…
Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính và Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm đối với Chương Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường.
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm 2 Chương về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại và Sở hữu trí tuệ….
Ngoài ra trong Quyết định 1201/QĐ-TTg cũng quy định danh sách chỉ định cơ quan đầu mối tiếp nhận, trao đổi thông tin và đầu mối liên lạc tại các Bộ ngành đối với từng Chương cam kết cụ thể của Hiệp định và các quan đầu mối tham gia các Uỷ ban và các Nhóm công tác của Hiệp định EVFTA./.
Văn Văn