Thu ngân sách tăng 86,88 ngàn tỷ đồng so với dự toán nhờ tiền sử dụng đất

(NTD) - Sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2016 và tình hình triển khai thực hiện dự toán năm 2017. Được biết, tổng thu ngân sách Nhà nước năm trước đạt 1.101,38 ngàn tỷ đồng, tăng 86,88 ngàn tỷ đồng so với dự toán và tăng 62,38 ngàn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thu nội địa đạt 879,36 ngàn tỷ đồng, tăng 12% so dự toán và tăng 50,36 ngàn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Trong đó thu tiền sử dụng đất đạt 98,75 ngàn tỷ, tăng 97,5% so dự toán và tăng 34,75 ngàn tỷ so với báo cáo Quốc hội ở kỳ họp trước.

Ngân sách chủ yếu tăng thu từ tiền sử dụng đất. Ảnh: V.Sơn

Mặc dù ngân sách tăng cao, nhưng Ủy ban Tài chính - Ngân sách phân tích, bên cạnh từ đất thì chủ yếu tăng thu do cơ chế, điều chỉnh chính sách như thu cổ tức, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ tại doanh nghiệp.

Điều này cho thấy số tăng thu ngân sách chưa thực sự xuất phát từ năng lực nội tại trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Mặt khác, đây là năm thứ hai liên tiếp số liệu đánh giá bổ sung chênh lệch khá lớn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội - cơ quan thẩm tra phân tích.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần phân tích nguyên nhân, rút kinh nghiệm, tránh trường hợp ước thu thấp, không sát thực tế vào cuối năm vì sẽ ảnh hưởng đến công tác xây dựng dự toán năm sau.

Vẫn theo cơ quan thẩm tra, thu ngân sách địa phương vượt dự toán cao, nhưng nếu trừ thu tiền sử dụng đất thì có 12 địa phương hụt thu cân đối khoảng 5,3 ngàn tỷ đồng. Theo báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hạn hán tác động đến sản xuất nông nghiệp, giá dầu, khí giảm sâu; giảm thu từ hoạt động sản xuất thủy điện; ảnh hưởng của sự cố môi trường biển...

Lưu ý từ Ủy ban thẩm tra, đây chủ yếu là những nguyên nhân khách quan. Song cũng cần lưu ý trong công tác xây dựng dự toán, dự báo kinh tế - xã hội phải sát với thực tế hơn nữa, vì các yếu tố khách quan nói trên đã có thể tiên lượng được trước về mức độ ảnh hưởng khi Chính phủ trình Quốc hội dự toán ngân sách  năm 2016.

V.Sơn (tổng hợp)

Nên đọc