Thu hút FDI giảm
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20-8-2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 11,35 tỷ USD, bằng 94,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án FDI tiếp tục bị ảnh hưởng.
Theo kết quả nghiên cứu được Bank of America đưa ra hồi giữa tháng 8, ngay từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tập đoàn Mỹ và châu Âu đã bắt đầu quá trình dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới các nước khác do lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chi phí lao động tăng cao.
Bên cạnh dịch covid-19, thì nhiều ý kiến cho rằng các “rào cản” thủ tục hành chính quá rườm rà, phức tạp…là rào cản hạn chế việc thu hút dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI. Hình minh họa |
Thời gian vừa qua, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… lần lượt có các chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp nước này về nước, hoặc dịch chuyển sang nước khác.
Các quốc gia ở thế cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… cũng ngay lập tức công bố một loạt chính sách thu hút đầu tư mới. Như vậy, việc thu hút đầu tư FDI vào nước ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Và thông tin Samsung rời dây chuyền sản xuất từ Việt Nam sang Ấn Độ đã được xem là minh chứng rõ cho điều này.
Bên cạnh dịch covid-19, thì nhiều ý kiến cho rằng các “rào cản” thủ tục hành chính quá rườm rà, phức tạp…là rào cản hạn chế việc thu hút dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI.
Tạo cơ chế để thu hút đầu tư
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm xây dựng và công bố chính sách thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư; trong đó cần nêu rõ lĩnh vực ưu tiên, địa phương ưu tiên, gắn với quy hoạch tổng thể để tránh cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương. Cần phải xóa bỏ triệt để những rào cả và nhanh chóng để Việt Nam tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, cũng trong thời gian này, các Hiệp định Thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA được thực thi cũng giúp thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuận lợi hơn. Ðây là động lực quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng.
Vừa qua Thủ tướng đã thành lập tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI. Tổ đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ, dự án lớn… có giá trị hàng tỉ USD.
Chia sẻ mới đây, TS. Võ Trí Thành - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng và chuyển hướng chiến lược sang thu hút FDI có chất lượng, cần tập trung vào chính sách hình thành và phát triển cụm liên kết ngành để tạo dựng mạng sản xuất, chuỗi giá trị cùng nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam
Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế đều chung ý kiến, giải pháp quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài là phải nâng trình độ doanh nghiệp lên một tầm cao mới, có sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, phát huy thế mạnh và tiềm năng của các tập đoàn lớn. Một điểm cần lưu ý nữa là chúng ta muốn đón được làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài thì phải có được nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm quản lý cấp cao và lao động có tay nghề.
Vy Vy