Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy tính đến ngày 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,20 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tương tự, giải ngân vốn FDI cũng thu hẹp hơn cùng kỳ năm ngoái, với vốn thực hiện 9 tháng ước đạt 13,76 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể về đăng ký cấp mới, có 1.947 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giảm 29,4% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 10,36 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Về vốn điều chỉnh, có 798 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 23% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,11 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 5.172 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 20,5% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 5,73 tỷ USD, bằng 55,1% so với cùng kỳ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,9 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký |
Nhận định về tình hình này, Cục đầu tư nước ngoài cho biết: “Làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam đã có tác động không nhỏ tới dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nước ta trong thời gian gần đây”.
Tuy nhiên, cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt và vẫn rất tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,9 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký lần lượt gần 3,2 tỷ USD và 1,3 tỷ USD.
9 tháng qua, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,77 tỷ USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,17 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan…
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh, thành phố, trong đó tỉnh Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 3,25 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ ba với 2,92 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, thành phố Hải Phòng.
Nếu xét theo số lượng dự án mới, TP.HCM dẫn đầu với 719 dự án, Hà Nội đứng thứ hai với 409 dự án, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ ba với 119 dự án.
Nhận xét về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, dòng vốn FDI sẽ đến Việt Nam nhiều hơn vì Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn, với dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu đang tăng với sức tiêu dùng mạnh mẽ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang cải thiện đáng kể môi trường đầu tư.
Cũng theo chuyên gia thì Việt Nam cần thay đổi cách thức cạnh tranh thu hút đầu tư, không dựa nhiều vào ưu đãi, chi phí thấp như trước mà cần dựa vào chất lượng, tạo ra hiệu quả về chất lượng, năng suất lao động, logistics... Đây là những yếu tố quan trọng để thu hút FDI chất lượng cao.
Các chuyên gia cũng dự báo, sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Vân Thư