Thu hút đầu tư vào nông nghiệp xanh

(CL&CS) - Sử dụng hiệu quả công cụ thuế, gia tăng động lực từ thị trường… là giải pháp được các chuyên gia đề xuất để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp xanh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu.

Trồng nha đam theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn mang lại giá trị cao tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: N.H

Còn nhiều rào cản

Phát biểu tại Diễn đàn thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá, hàng hoá xuất khẩu, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050; giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực - thực phẩm, Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu.

Ông Trần Chí Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, VLA đang thí điểm chọn một số trung tâm hậu cần giữa bờ Tây (Mỹ) và Việt Nam để tạo thuận lợi về thủ tục thuế, hải quan, kiểm dịch phục vụ cho nông sản Việt Nam tại thị trường này. Theo ông Dũng, nhu cầu cao từ thị trường quốc tế cùng yêu cầu về tiêu chuẩn sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước áp dụng các tiêu chuẩn canh tác tốt hơn.

Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam thời gian qua vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp chỉ ra rằng, hiện Việt Nam chưa có quy hoạch cụ thể về việc sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho hoạt động sản xuất mà chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng… Trong khi đó, do chưa có khả năng phân biệt sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường, người tiêu dùng còn thiếu tin tưởng và chưa ưu tiên lựa chọn sản phẩm hữu cơ.

Từ góc độ địa phương, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, Hậu Giang có khoảng 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 415 ha, đã được hình thành cách đây nhiều năm và vẫn đang mời gọi DN đầu tư. Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào các chương trình phát triển lúa chất lượng cao, cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản, song thực trạng diện tích, quy mô manh mún, nhỏ lẻ vẫn là khó khăn lớn nhất của Hậu Giang trong việc thu hút đầu tư. Bởi các DN cần diện tích đủ lớn để tổ chức sản xuất.

Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM cũng chỉ ra những hạn chế khiến TPHCM chưa thể phát triển rộng rãi nông nghiệp xanh, bao gồm: thiếu vốn đầu tư, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng chưa đồng bộ, cũng như những thách thức từ thị trường tiêu thụ…

Tăng động lực để thu hút đầu tư

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế chỉ ra rằng, hiện các yếu tố đầu vào của ngành nông nghiệp như đất, nước… đều đang được miễn thuế. Cụ thể, Nhà nước giao đất cho người dân hoàn toàn miễn phí, nhưng có nhiều nơi người dân lại không canh tác, gây lãng phí rất lớn, trong khi nhiều DN lại không có đất để sản xuất. Theo đó, ông Phụng đề xuất cơ chế UBND các cấp đứng ra bảo đảm để nông dân góp ruộng vào DN để sản xuất kinh doanh và nông dân trở thành người lao động hợp tác với DN. Hiện cơ chế này đang được áp dụng tại Thái Bình, Hà Nam. Nhờ đó, nông dân có thu nhập, đồng ruộng không bị bỏ hoang và DN có thể áp dụng các quy trình sản xuất xanh, sạch vào nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên nước hiện cũng chưa được đánh thuế, ngoài khoản thủy lợi phí dành cho tưới tiêu. Điều này dẫn tới tình trạng lãng phí trong quá trình sử dụng. Theo đó, ông Phụng cho rằng, cần xem xét đánh thuế, hoặc áp dụng phí đối với nguồn ngước thiên nhiên dùng cho sản xuất để nâng cao ý thức tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước của người dân. “Malaysia, Singapore là những nước đã phải mua nước ngọt cho sản xuất kinh doanh. Nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ, nguồn nước ngọt quý giá cũng sẽ có thể bị cạn kiệt” – ông Phụng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cần có chính sách thuế ưu đãi cho phân bón hữu cơ để phân biệt với phân bón vô cơ.

Bên cạnh những gợi ý về chính sách thuế như trên, ông Ngô Xuân Chinh cho rằng, ngành nông nghiệp cần huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là các DN cho mục tiêu tăng trưởng xanh. Đồng thời cần tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ, nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu. Việc thúc đẩy hình thành và phát triển các mô hình sản xuất theo hướng xanh cần có vốn đầu tư lớn so với sản xuất thông thường. Các phương thức, thủ tục cho vay và thu nợ cũng cần đơn giản, phù hợp với đặc điểm từng loại mô hình.

Bên cạnh đó, các DN và người dân cần đổi mới tư duy và nhận thức để chủ động thúc đẩy kinh tế và tiêu dùng xanh. Theo đó, cần hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành và lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, tận dụng tối đa các ưu thế tự nhiên từ các vùng miền cho việc phát triển nông nghiệp, đảm bảo sự tương tác với môi trường sinh thái.

Ông Chinh cũng đề xuất chính sách bảo hiểm nông nghiệp bởi sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao từ các yếu tố như thời tiết, khí hậu. Đây là một lĩnh vực mới đối với người nông dân và tổ chức bảo hiểm. Nhà nước cần đề ra chính sách hỗ trợ tổ chức thực hiện các bảo hiểm nông nghiệp phù hợp.

Ông Trần Chí Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, VLA đang thí điểm chọn một số trung tâm hậu cần giữa bờ Tây (Mỹ) và Việt Nam để tạo thuận lợi về thủ tục thuế, hải quan, kiểm dịch phục vụ cho nông sản Việt Nam tại thị trường này. Theo ông Dũng, nhu cầu cao từ thị trường quốc tế cùng yêu cầu về tiêu chuẩn sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước áp dụng các tiêu chuẩn canh tác tốt hơn.

TIN LIÊN QUAN