Thu hồi toàn quốc lô thuốc PymeRoxitil vi phạm chất lượng

(CL&CS) - Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có thông báo thu hồi lô thuốc viên nén bao phim PymeRoxitil (Roxithromycin 150mg) không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Lô thuốc bị thu hồi là viên nén bao phim PymeRoxitil (Roxithromycin 150mg), số giấy đăng ký lưu hành VD-28304-17, số lô: 010522, sản xuất ngày 18/5/2022, hạn dùng 18/5/2025 do Công ty CP Pymepharco sản xuất.

Trước đó, ba mẫu thuốc thuộc lô này do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Đắk Lắk và Viện kiểm nghiệm thuốc TP HCM thực hiện lấy mẫu, kết quả cho thấy không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu tạp chất liên quan. Cục Quản lý Dược xác định lô thuốc vi phạm mức độ 2, tức là không bảo đảm đầy đủ hiệu quả điều trị, hoặc có nguy cơ không an toàn cho người sử dụng.

(Ảnh minh họa)

Trước vi phạm của Công ty CP Pymepharco, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu đơn vị này phải phối hợp với các nhà phân phối thuốc để thu hồi toàn bộ lô thuốc nói trên trong phạm vi toàn quốc. Trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày ra thông báo, công ty này phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng sản phẩm.

Công ty CP Pymepharco phải gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trong vòng 18 ngày kể từ ngày ra thông báo. Báo cáo phải nêu rõ số lượng sản xuất, số lượng phân phối, ngày sản xuất, số lượng thu hồi và bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng lô thuốc PymeRoxitil trên.

Sở y tế các tỉnh, thành phố; y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng sản phẩm thu hồi, kiểm tra và giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này. Riêng Sở Y tế Đắk Lắk và Phú Yên được giao kiểm tra và giám sát Công ty CP Pymepharco thực hiện việc thu hồi và xử lý thuốc bị thu hồi theo quy định.

Được biết, Pyme Roxitil là một thuốc kháng sinh, được dùng để điều trị viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm xoang, viêm âm đạo, viêm niệu đạo, còn được dùng để điều trị nhiễm khuẩn da và mô mềm, hay nhiễm khuẩn răng miệng. Nếu thuốc không đạt chất lượng chắc chắn sẽ tác động đến kết quả điều trị bệnh và còn làm kháng thuốc kháng sinh vốn đang là vấn nạn ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

TIN LIÊN QUAN