Thời điểm nào thai phụ nên siêu âm phát hiện nhiễm virus Zika?

(NTD) - Hiện nay rất nhiều thai phụ vẫn còn chủ quan với dịch bệnh Zika. Vậy thời điểm nào thai phụ nên siêu âm chuẩn đoán nhiễm virus Zika?

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết chỉ trong 5 tuần trở lại đây, trung bình mỗi tuần có khoảng 5 ca nhiễm virus Zika. Trong đó đã có 4 thai phụ có xét nghiệm dương tính với virus Zika, một người đang ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ.

Còn cả nước Việt Nam đã ghi nhận 38 trường hợp nhiễm virus Zika. Một em bé sơ sinh tại Đắk Lắk sinh ra bị dị tật đầu nhỏ (hay còn gọi là chứng teo não) bởi vì trước đó thai phụ này đã bị nhiễm virus Zika.

Vậy, phụ nữ có thai cần làm gì để phòng bệnh do virus Zika? Làm thế nào để xác định thai nhi có bị chứng đầu nhỏ hay không?

Những thời điểm siêu âm phát hiện nhiễm virus Zika khi mang thai? Ảnh internet

PGS.TS. Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, khuyến cáo: "Việt Nam có hệ thống chẩn đoán trước sinh yêu cầu phụ nữ nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Nếu tuân theo hướng dẫn cơ bản này thì đảm bảo phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ. Chẩn đoán trước sinh là biện pháp khá phổ thông, từ cơ sở tuyến xã, huyện đã được trang bị máy siêu âm… Đối với một bà mẹ có thai, đặc biệt mang thai 3 tháng đầu được khẳng định nhiễm virus Zika, chúng ta có kế hoạch theo dõi thai nhi bằng cách siêu âm để đo kích thước đầu của thai nhi, cụ thể là đo chu vi đầu của thai. Nếu nghi ngờ thai nhi bị đầu nhỏ sẽ chuyển thai phụ lên tuyến cao hơn”.

Còn PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nói thêm: "Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc điều trị. Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, Bộ Y tế nhận định nguy cơ dịch có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Trước bối cảnh đó, Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC - Bộ Y tế) cho rằng cần hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng dự phòng, đáp ứng dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ mang thai, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra".

Chu Du (Tổng hợp)

Nên đọc