Đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh
Theo quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, thị xã Tân Châu là đô thị loại III trở thành thành phố trực thuộc tỉnh; sau năm 2030, đạt tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại II.
Đồng thời, thị xã Tân Châu là đô thị động lực phía Bắc của tỉnh, tập trung phát triển về kinh tế biên giới: thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, đầu mối giao thương quốc tế tại cửa khẩu Vĩnh Xương.
Tân Châu là thị xã biên giới, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh An Giang. Đây là địa phương đầu nguồn con sông Tiền, có đường biên giới dài 6,33km giáp với tỉnh Kandal, Campuchia với cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương - cửa khẩu đường sông duy nhất trên biên giới Việt Nam và Campuchia. Khu vực này chính là cửa ngõ giao thương kinh tế quan trọng của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông như Campuchia, Lào, Trung Quốc.
Cũng theo quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Vương quốc Campuchia.
Ngoài thị xã Tân Châu sẽ lên thành phố, thành phố Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Thành phố Châu Đốc là đô thị xanh, hiện đại; là trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch cấp quốc gia gắn với quốc phòng - an ninh, tạo động lực hỗ trợ các huyện vùng Bảy Núi phát triển.
Thị xã Tịnh Biên là đô thị biên giới của tỉnh, đầu mối giao thương quốc tế qua cửa khẩu Tịnh Biên, liên kết chặt chẽ với tuyến hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên và hành lang biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu; là trung tâm du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Các đô thị còn lại đóng vai trò là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội các đơn vị hành chính cấp huyện.
Vùng đất miền Tây bình dị hiền hòa
Đi đến thiên đường du lịch An Giang, nhiều bạn trẻ không chỉ đi một lần cho biết rồi thôi mà quan niệm phải đi nhiều lần và mỗi lần đều phải đi cho “chất”. Nhất là trong những năm gần đây, thị xã Tân Châu nổi lên như địa điểm du lịch, tham quan và trải nghiệm thú vị với nhiều cảnh đẹp và đặc sản ngon miệng, cũng góp phần lớn trong việc giữ chân khách du lịch đến với An Giang nhiều hơn.
Thị xã Tân Châu có vị trí địa lý thuận lợi vì nằm ở phía đông bắc tỉnh An Giang. Xét về khoảng cách, nơi này nằm khá gần với TP. HCM. Tân Châu cách Sài Gòn khoảng 208km và cách thành phố Cần Thơ khoảng 125km.
Được đánh giá là có tiềm năng phát triển du lịch, thị xã Tân Châu đang phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch. Từ mô hình du lịch nghỉ dưỡng quen thuộc đến du lịch tâm linh hay du lịch tham quan các làng nghề truyền thống, tìm hiểu đời sống đồng bào dân tộc Chăm,… đều thi nhau đua nở. Qua đó, nhiều món ăn ngon và đặc sản trứ danh cũng được giới thiệu rộng rãi đến khách du lịch thưởng thức.
Ngay khi vừa đặt chân tới Tân Châu (An Giang), bạn sẽ có cơ hội để khám phá và tìm hiểu về vùng đất, con người nơi đây. Bạn có thể ghé thăm Tân Châu An Giang vào bất kỳ mùa hay tháng nào trong năm vì thời tiết và khí hậu khô ráo, dễ chịu. Tuy nhiên, nếu có thể, hãy tránh đi vào mùa cao điểm du lịch. Bởi vì vào thời gian đó giá vé máy bay giá rất cao. Đồng thời do lượng khách tăng cao nên rất đông đúc, kéo theo chi phí du lịch sẽ đắt hơn những ngày bình thường.
Nếu đang băn khoăn An Giang có gì đẹp ngoài cánh đồng hoa dừa cạn khổng lồ, những con suối ở đẹp như tranh vẽ hay khu du lịch núi Cấm cùng vùng Bảy Núi hùng vĩ thì hãy dành thời gian check in các điểm du lịch Tân Châu. Bởi vì tới đây bạn sẽ có cơ hội để trải nghiệm và khám phá các địa điểm tuyệt đẹp dưới đây:
1. Làng Chăm Châu Giang
Không hề sai khi nhiều du khách cho rằng muốn khám phá văn hóa, đời sống của người Chăm tại An Giang, nhất định phải đến làng Chăm Châu Giang.
Khi check in thánh đường Mubarak bạn sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc lộng lẫy và vô cùng độc đáo. Ngoài ra du khách còn có cơ hội khám phá tập tục sinh sống nhà sàn và tín ngưỡng Hồi giáo dưới bóng thánh đường.
2. Chùa Giồng Thành
Công trình tôn giáo nổi tiếng, đồng thời cũng là địa điểm du lịch Tân Châu này còn có tên gọi khác là chùa Long Hưng Tự, nằm cách trung tâm thị xã Tân Châu chỉ hơn 3km.
Chùa thu hút nhiều du khách viếng thăm và tham quan, cầu bình an. Long Hưng Tự có khối kiến trúc hài hòa đẹp mắt và được dựng theo phong cách Á - Âu theo hình chữ “song hỷ”. Diện mạo bên ngoài của ngôi chùa mô phỏng kiến trúc các công trình đền chùa của Ấn Độ với mái tháp hai tầng hình phễu. Các họa tiết và hoa văn trang trí vô cùng trang nhã và tinh tế, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm kiến trúc và văn hóa đặc biệt.
Chùa gồm 3 gian, mái được lợp bằng ngói móc, riêng phía trên cột chánh điện có vẽ hình rồng. Ban đầu, từ năm 1875, chùa được xây dựng bằng tre lá đơn sơ.
3. Thánh Đường Hồi giáo Jamiul Azhar
Thánh đường Masjid Jamiul Azhar tọa lạc tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Địa điểm du lịch - tôn giáo nổi tiếng này được xem là một trong những ngôi thánh đường lâu đời và đẹp nhất ở An Giang.
Công trình sở hữu thiết kế lạ mắt với hai gam màu chính là trắng và xanh ngọc tạo nên diện mạo nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng vẫn tôn nghiêm và trang trọng. Với điểm nhấn là những mái vòm cao và rộng đặc trưng của kiến trúc Hồi giáo, Thánh đường hiện lên trước mắt du khách với vẻ đẹp uy nghiêm, trở thành biểu tượng tôn giáo của cư dân đạo Hồi sinh sống nơi đây. Ngày càng có nhiều du khách chọn đây là điểm check-in và khám phá văn hóa tâm linh khi đến vùng đất Tân Châu.
4. Làng lụa Tân Châu
Từ xa xưa vùng đất An Giang đã nổi danh khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh với lãnh Mỹ A và lụa Tân Châu. Làng lụa truyền thống nổi tiếng tọa lạc ngay tại thị xã Tân Châu bao gồm nhiều làng nghề khác nhau như: làng nghề dệt tơ lụa Tân Châu, làng nghề dệt chiếu Tân Châu, làng nghề dệt thổ cẩm Châu Phong,… Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là làng nghề truyền thống tơ lụa Tân Châu.
Ngay từ những bước chân đầu tiên đến làng lụa, du khách sẽ được tham quan tất cả các công đoạn kỳ công để sản xuất ra những thước lụa mềm mịn. Bạn sẽ được thuyết minh, giải thích và hướng dẫn về các đặc tính của lụa Tân Châu. Đừng quên chọn cho mình và bạn bè những tấm lụa hay sản phẩm dệt may đẹp về làm quà nhé.
5. Chùa Núi Nổi
Chùa núi Nổi nằm cách trung tâm thị xã Tân Châu khoảng 9km. Nằm giữa đồng rộng mênh mông trên một ngọn núi nhỏ nên nhìn từ xa, ngôi chùa tựa đang nổi bồng bềnh giữa biển nước và lúa mênh mông. Trên đường đến chùa, du khách sẽ được ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng và bình yên, tuyệt đẹp không thua kém đồng thốt nốt ở Tịnh Biên hay cảnh đẹp tựa chốn thiên đường của hồ Latina đâu nhé. Hàng năm chùa thu hút du khách tới thỉnh hương và viếng cảnh.
Cứ vào khoảng tháng 9 âm lịch hàng năm, người dân Tân Châu và du khách gần xa sẽ háo hức tham gia lễ hội chùa núi Nổi. Hãy kết hợp du lịch bụi Châu Đốc, Tân Châu An Giang và hòa cùng không khí trang nghiêm của lễ hội, tận hưởng những trò vui chơi náo nhiệt do người dân địa phương tổ chức sau khi họ vừa kết thúc việc đồng áng.