Đóng cửa ngày 12/4, VN-Index đạt 1.455,25 điểm, giảm 26,75 điểm, tương đương giảm 1,8%. Các chỉ số khác như: VN30 giảm 1,12%; HNX giảm 2,55%; HNX30 giảm 2,95%; UPCoM giảm 1,24%.
Toàn thị trường có 859 cổ phiếu giảm kịch sàn, tập trung nhiều nhất là cổ phiếu niêm yết tại sàn HOSE. Có 99 cổ phiếu giảm sàn thì HOSE vẫn chiếm áp đảo với 64 mã, HNX với 32 mã và UPCoM có 3 mã.
Các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ giảm mạnh nhất, đặc biệt là những cổ phiếu họ FLC (AMD, ART, FLC, HAI, KLF, ROS), họ Louis (TGG, BII, SMT), cổ phiếu bất động sản nhà ở - vật liệu xây dựng - xây dựng (HQC, DXG, SCR, CII, DIG, LDG, OGC, NBB, DRH, CTD, HDC, VPH, QCG, DPG…) đã nằm sàn khi kết thúc phiên giao dịch.
Nhìn chung các cổ phiếu tăng nóng 10-20 lần trong 2 năm vừa qua nhờ dòng tiền đầu cơ dễ dãi nhưng hoạt động kinh doanh chưa có sự cải thiện, thậm chí không ghi nhận doanh thu sẽ nhanh chóng rơi về mức giá cũ khi dòng tiền đầu cơ của các nhà đầu tư lớn rút đi.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn không những không nâng đỡ được thị trường mà còn góp phần làm các chỉ số giảm sâu. Trong rổ VN30 chỉ có 3 cổ phiếu tăng giá gồm FPT, MWG và VPB còn 27 mã còn lại đều đỏ sàn.
Tuy nhiên, le lói đâu đó vẫn có cổ phiếu dòng thủy sản tăng giá mạnh trong phiên giao dịch ngày 12/4. Cổ phiếu ACL, CMX, IDI tăng trần còn các cổ phiếu khác trong ngành như ANV, ASM, VHC… tăng giá khá tốt. Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu này đã có sự tăng giá mạnh mẽ trong thời gian gần đây như IDI tăng cao nhất với 137,7% còn các cổ phiếu còn lại tăng 50-60%. Các cổ phiếu này kỳ vọng được hưởng lợi nhờ cá tra tăng giá và cũng chính điều này nên những doanh nghiệp trên đều đặt kế hoạch lợi nhuận trong năm nay tăng 4-5 lần so với năm 2021.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, chuyên gia chứng khoán nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu nhiều áp lực về lạm phát và lãi suất. Nguyên nhân cơ bản của lạm phát theo lý thuyết đến từ việc cung tiền lớn và sự thiếu hụt hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng. Dịch bệnh, chiến tranh cũng như chính sách bơm tiền trong suốt 2 năm qua đã để lại một hệ lụy khá phiền phức.
Công cụ hữu hiệu nhất để kiềm chế lạm phát là giảm cung tiền từ việc tăng lãi suất. Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã đưa ra định hướng rất rõ ràng và chi tiết để đưa lãi suất cơ bản từ cận 0% lên 3% trong vòng 2 năm tới. Hoa Kỳ tăng lãi suất cơ bản sẽ kéo theo một loạt nước làm theo. Việt Nam dù có độ trễ khoảng 6 tháng, nhưng chắc chắn sẽ tăng lãi suất. Vậy việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Thứ nhất, đây là điều tích cực để đẩy giá trị đồng tiền lên. Khi lãi suất huy động tăng lên, sẽ thu hút được một lượng tiền nhất định gửi tiết kiệm vì thực dương.
Thứ hai, lãi suất tăng lên sẽ thúc đẩy khối ngân hàng, sẽ có sự cạnh tranh giữa việc thu hút dòng tiền đầu tư giữa các kênh như chứng khóan, bất động sản, vàng, ngoại tệ và kênh gửi ngân hàng. Sẽ có khả năng kiềm chế được đà tăng quá đà của một loại hình nào đó. Nếu giá bất động sản cho thuê kém hấp dẫn, sẽ có hiện tượng bán lấy tiền gửi tiết kiệm. Còn chứng khoán nếu không có sóng đủ hấp dẫn, cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi dòng tiền bán thu về.
Thứ ba, lãi suất tăng sẽ kéo theo sự khó khăn của trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài việc khi đó độ chênh lãi suất không còn đủ sức hấp dẫn so với kênh gửi tiết kiệm có sự an toàn cao, còn là việc sẽ có hiện tượng bán trái phiếu trước hạn để đảm bảo quản trị rủi ro, cũng như chuyển hướng dòng tiền. Nếu việc đảo nợ trái phiếu bị kiểm soát chặt, thì đây có thể coi là "quả bom nổ chậm" không chỉ cho thị trường mà còn kéo theo cả nền kinh tế.
Thứ tư, lãi suất tăng cũng sẽ gây khó khăn cho sự phục hồi của nhiều doanh nghiệp. Sản suất kinh doanh cũng như phát triển dự án sẽ bị đội vốn lên. Rất có thể những điều này sẽ đổ lên vai người tiêu dùng cuối cùng. Dù có tác dụng để kiềm chế lạm phát, nhưng trong giai đoạn đầu "dùng thuốc" đôi khi sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn.
Thứ năm, lạm phát và lãi suất cao luôn được coi là kẻ thù của chứng khoán. Dòng tiền có thể sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, vì lãi suất tăng lên, biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ bị giảm, dẫn đến nhiều chỉ số kinh doanh sẽ không còn đẹp nữa. Một khi lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) chung toàn thị trường giảm, cũng cần phải đánh giá lại điểm số kỳ vọng của VN-Index trong năm 2022.
Ông Nguyễn Hồng Điệp kết luận, bất động sản và chứng khoán vẫn là kênh ưu tiên đầu tư trong năm nay nhưng không nên đặt kỳ vọng quá cao về tỷ suất sinh lời. Tuy nhiên trong năm nay, thị trường chứng khoán sẽ khó ăn hơn so với 2 năm liền kề trước đây. Ngoài việc game tăng độ khó, rất có thể trong vài thời điểm sẽ có những cú sụt giảm sâu. Tất nhiên khi sụt quá sâu sẽ lại là cơ hội bắt đáy, ăn một số phần trăm (đừng kỳ vọng quá cao) của việc hồi lại. Nếu nhà đầu tư đạt tỷ suất 25-35% là có thể nên hài lòng.