Căn nhà nhỏ của Mirzakhani gần Đại học Stanford. Mirzakhani ngồi bệt dưới sàn, hí hoáy bên đống giấy khổ lớn với những biểu đồ và công thức. Cô đắm chìm trong thế giới của riêng mình đến nỗi đứa con gái sáu tuổi của cô thốt lên: “Mẹ lại vẽ tranh nữa rồi!”
Những ngày cuối đời, Mirzakhani phải chống chọi với căn bệnh ung thư vú trong giai đoạn biến chứng đã lan tới gan và xương. Nhưng cô vẫn làm việc cật lực, đầy đam mê và đầy hy vọng rằng có một phép màu sẽ đến với mình. Phép màu đã không hiện ra! Nhưng nhà toán học nữ tài năng đã truyền cho mọi người sự hy vọng, tình yêu và nhất là tình yêu toán học. Ingrid Daubechies, giáo sư toán học tại Đại học Duke nói: “Hộp thư của tôi tràn đầy email mới. Các nhà toán học nữ trên thế giới chia sẻ nỗi buồn, an ủi nhau vì mất đi một nhà toán học tài năng và một tấm gương về tình yêu toán”.
Mirzakhani sinh ra và lớn lên ở thủ đô Tehran (Iran). Cô thích đọc sách và xem các phim tài liệu về các nhà khoa học nữ như Marie Curie, Helen Keller và tiểu thuyết “Lust for Life” về danh họa Vincent van Gogh. Những câu chuyện như thế đã làm cô bé bay bổng với ý định trở thành nhà văn.
Mirzakhani học xong tiểu học khi cuộc chiến Iran - Iraq sắp kết thúc, đồng nghĩa có nhiều cơ hội phát triển hơn cho các học sinh tài năng. Cô được tuyển vào Trường trung học năng khiếu Farzanegan dành cho nữ. Thế nhưng, năm học đầu tiên, điểm toán của cô thật tệ. Giáo viên chê Mirzakhani thậm tệ đến nỗi cô bé mất hết tự tin là mình có thể học toán. Năm học sau, giáo viên toán mới đã khơi lại sự tự tin ở bản thân và khao khát học hỏi. Cô được chọn vào đội tuyển đi thi toán quốc tế và đoạt huy chương vàng trong hai năm 1994 và 1995.
Hết phổ thông, Mirzakhani học toán tại Đại học Công nghệ Sharif và tốt nghiệp năm 1999, sau đó chuyển sang Đại học Harvard làm luận án tiến sĩ, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Curtis McMullen, người được huy chương Fields năm 1998. Sau đó cô trở thành giáo sư toán tại Đại học Stanford. Các công trình nghiên cứu của cô có khi vài năm, có khi cả chục năm. Đôi lúc Mirzakhani đã ví von là mình “đang lạc giữa khu rừng già và phải cố gắng dùng mọi hiểu biết để tìm ra thủ thuật mới, khi có thêm chút may mắn thì bạn có thể tìm được đường ra”.
Cô tiếp cận các đề toán hóc búa với phương pháp tiếp cận mới mẻ và độc đáo, đặc biệt là các mặt cong hyperbolic. Độ cong của miếng chip khoai tây, độ xoăn của cọng cải, hoặc phức tạp hơn là quỹ đạo chuyển động của viên billiard trên mặt bàn… Các công trình nghiên cứu hình học và động học của Mirzakhani đã giúp cô giành được giải thưởng Fields năm 2014 - vốn được xem là giải Nobel toán học bởi bốn năm mới trao một lần và chỉ trao cho hai đến bốn nhà toán học xuất sắc nhất. Truyền thông quốc tế đặc biệt chú ý đến Mirzakhani bởi hai lý do đặc biệt: Cô là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới nhận được giải thưởng này và cô là người Iran - nơi có sự phân biệt nam nữ theo truyền thống của đạo Hồi.
Mirzakhani qua đời tại một bệnh viện ở Hoa Kỳ vào ngày 15/7/2017. Tiến sĩ Tessier-Lavigne - hiệu trưởng Đại học Stanford, ca ngợi cô là nhà lý thuyết kiệt xuất đã cống hiến không ngừng nghỉ và truyền cảm hứng cho hàng ngàn phụ nữ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học và toán học. Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói cái chết của nhà toán học nữ là “mất mát lớn” của quốc gia.
Thủy Tiên - Như Ý