Nhiều ngân hàng thay đổi “dàn” HĐQT
Tại ĐHCĐ năm nay, nhiều cổ đông bị "chao đảo" trước quyết định thay đổi dàn nhân sự cấp cao của hàng loạt doanh nghiệp. Nổi cộm nhất là nhân sự cấp cao trong ngành ngân hàng.
Năm nay, hàng loạt HĐQT ngân hàng đã và đang tiến hành bầu nhiệm kỳ mới (2015-2020) như Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)…
Tại Viet Capital Bank, HĐQT nhiệm kỳ mới gồm: ông Lê Anh Tài, bà Nguyễn Thanh Phượng, ông Đỗ Duy Hưng, ông Ngô Quang Trung và ông Vương Công Đức. Trong đó, ông Ngô Quang Trung và ông Vương Công Đức là nhân sự được bầu mới thay ông Tô Hải, Đỗ Hà Nam, Nguyễn Ngọc Bích.
Nhiệm kỳ VIII của HĐQT DongA Bank có các ứng viên Phan Văn Anh Vũ đại diện 10% vốn tại DongA Bank của CTCP Xây dựng Bắc Nam 79, ông Huỳnh Phước Long đại diện 6,8% của văn phòng Thành ủy TP.HCM, ông Trang Thành Sương đại diện của 2,14% vốn Công ty TNHH MTV Xây dựng Kinh doanh nhà Phú Nhuận và 3,78% Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa, ông Nguyễn Vũ Phan sở hữu 0,07% cổ phiếu DongA Bank. Các thành viên HĐQT nhiệm kỳ cũ như Chủ tịch Cao Sĩ Kiêm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trần Phương Bình, thành viên Trần Văn Đình tiếp tục được giới thiệu cho HĐQT nhiệm kỳ mới. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Tổng Giám đốc DongA Bank cũng được giới thiệu là ứng viên HĐQT nhiệm kỳ mới.
Một ngân hàng chuyển trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội là Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đang có chuyển biến nhân sự khi ông Ngô Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Luật được đề cử vào HĐQT nhiệm kỳ 2013-2018 để thay ông Nguyễn Quang Vinh.
“Sốc” với thù lao của HĐQT, BKS
Ngoài khoảng lương “khủng” tại Ban điều hành, các nhân sự trong HĐQT còn nhận thù lao “chót vót”. Mặc dù kết quả kinh doanh năm qua của nhiều doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu kế hoạch, nhưng mức thù lao đối với HĐQT, BKS vẫn được duy trì ở mức khá cao.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tổng lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 2.851 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng mức thù lao của HĐQT và BKS được duyệt là 2% lợi nhuận trước thuế, tương đương 57 tỷ đồng. Trong năm qua, HĐQT và BKS đã nhận 53,5 tỷ đồng, tương ứng mỗi thành viên nhận được 4,1 tỷ đồng/năm. Thù lao dựa vào hiệu quả kinh doanh của ngân hàng được đánh giá khá hiệu quả khi HĐQT và BKS có nhiệm vụ phải mang lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng cho ngân hàng và duy trì mức cổ tức cao, ổn định cho cổ đông.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)… cũng dựa vào hiệu quả kinh doanh để trả thù lao cho HĐQT và BKS như Sacombank. Mang lại lợi nhuận 4.986 tỷ đồng và mức thù lao bằng 0,38% lợi nhuận sau thuế nên HĐQT và BKS tại nhà băng BIDV này chỉ nhận 19 tỷ đồng.
Trong một năm kinh doanh “bết bát”, năm 2014, lợi nhuận sau thuế của Eximbank chỉ đạt 56 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và ở mức thù lao bằng 1,5% lợi nhuận sau thuế nên HĐQT và BKS chỉ nhận vọn vẹn 840 triệu đồng.
Trong năm 2015, hầu hết các ngân hàng đều giữ nguyên hoặc tăng mức thù lao cho HĐQT từ hiệu quả kinh doanh.
Là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất sữa tại Việt Nam, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) trả cổ tức trên 40% trong nhiều năm liền, cổ phiếu của Vinamilk đã tăng 1.414% từ ngày lên sàn (19/1/2006) đến nay. Với 6.068 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nhưng các thành viên HĐQT nhận bình quân 813,3 triệu đồng/người/năm và thành viên BKS nhận 168 triệu đồng/người/năm.
Qua mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều doanh nghiệp có mức trả thù lao cho HĐQT và BKS khá cao. Tuy nhiên, mức thù lao này sẽ được nhiều cổ đông ủng hộ nếu đơn vị thật sự chứng minh sự thay đổi tích cực qua sự điều hành, giám sát của ban lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó nổi bật là vai trò của HĐQT và BKS.
Ánh Hoa