Thành tựu khoa học công nghệ nổi bật trong năm 2018

(NTD) - 2018 là năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ: Dùng smartphone chẩn đoán sớm ung thư, xây dựng đường ray cao tốc đầu tiên dưới nước, sử dụng robot làm giáo viên, công nghệ màn hình gập trên smartphone... Những thành tựu này có thể thay đổi tương lai nhân loại.

 

1. Chẩn đoán sớm ung thư bằng smartphone

Ngày 7/12, các khoa học gia Đại học Queensland, Australia tuyên bố phát minh ra phương pháp xét nghiệm nhanh và đơn giản, giúp bệnh nhân chẩn đoán và phát hiện ung thư từ máu hoặc mô sinh thiết thông qua các thiết bị gọn nhẹ như điện thoại thông minh. Trên cơ sở nhận dạng các dấu hiệu đặc trưng của phân tử, nhóm nghiên cứu đã phát triển kỹ thuật chẩn đoán các khối u thông qua sử dụng hạt nano vàng dưới sự hỗ trợ của một dụng cụ giúp phân tích những thay đổi hình thái trên toàn bộ hệ gien chỉ trong thời gian ngắn tính bằng phút: Các hạt nano vàng sẽ đổi màu khi liên kết với ADN của khối u chứa tế bào ung thư. Sau quá trình sử dụng kỹ thuật chẩn đoán trên thí nghiệm đối với khoảng 200 mẫu ung thư ở người và mẫu ADN thông thường, họ rút ra kết luận công nghệ này có thể nhận dạng khối u chứa tế bào ung thư với độ chính xác lên đến 90%.

 

2. Xây dựng đường ray cao tốc đầu tiên dưới nước

Trung Quốc thông qua một dự án nghiên cứu xây dựng tuyến đường tàu cao tốc dưới nước đầu tiên trên thế giới, sẽ nối từ Ninh Ba (một thành phố cảng phía Nam Thượng Hải) đến Chu San (quần đảo ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này). Trong tuyến đường sắt dài 77km, 70,92km đường ray sẽ được xây mới và có 16,2km đường sắt dưới biển. Khi hoàn tất, tuyến đường sắt Yong-Zhou sẽ nối ga Ningbo East Station và Zhoushan bằng các chuyến tàu cao tốc với vận tốc tối đa 250km/h. Với tổng chi phí 25,2 tỷ nhân dân tệ (3,6 tỷ USD), dự án dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2019 và hoàn thành vào năm 2025.

 

3. Tàu không gian OSIRIS-REx của NASA tiếp cận hành tinh cổ Bennu

Hai năm sau khi được phóng lên từ bang Florida, tàu không gian OSIRIS-REx của NASA (Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ) đã tiến gần hành tinh cổ Bennu có kích cỡ tương đương một ngọn núi nhỏ, đường kính 500m. Theo NASA, mục đích của nó là lấy mẫu bụi không gian tại đây, có thể giúp tìm ra manh mối về sự sống trong hệ mặt trời. Theo lập trình, OSIRIS-REx bay quanh Bennu và dùng một cánh tay robot để “chạm” vào bề mặt của ngôi sao này, lấy mẫu bụi của nó mang về trái đất vào năm 2023.

Các bức hình đầu tiên về Bennu đã được chụp ngày 17/8 ở khoảng cách chừng 2,3 triệu km. Theo các nhà thiên văn học, có một khả năng rất nhỏ (xác suất 1/2.700) là Bennu sẽ va chạm với trái đất vào năm 2135.

 

4. Nhà trẻ sử dụng robot làm giáo viên

Robot có ngoại hình dễ thương và thân thiện với trẻ em sẽ được ứng dụng vào ngành giáo dục tại xứ sở đông dân nhất thế giới này. Cao chưa tới 60 cm, robot Keeko màu trắng có thiết kế thân hình mũm mĩm, không tay, với chiếc đầu tròn được trang bị cảm biến định hướng và camera ghi hình. Với giá 10.000 nhân dân tệ (1.500 USD), Keeko có khả năng kể chuyện và hướng dẫn trẻ em giải các câu đố logic đơn giản. Khi các em trả lời đúng, Keeko có thể đưa ra phản ứng khuyến khích với ánh mắt phát sáng lấp lánh. Trong vai trò trợ giảng, robot Keeko đang trở thành một hiện tượng tại hơn 600 nhà trẻ của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà giáo dục tin rằng việc robot thay thế hoàn toàn con người trong vai trò giảng dạy tại các lớp học vẫn sẽ là chuyện của tương lai xa.

 

5. Robot khám phá bí ẩn nguồn khoáng sản khồng lồ dưới đáy đại dương

Các nhà khoa học của Đại học Bergen, Na Uy, đang sử dụng robot để thám hiểm vùng đáy biển sâu 2.500m giữa Na Uy và Greenland, với tham vọng tìm lời giải đáp cho bí ẩn về nguồn khoáng sản dưới đáy đại dương. Trả lời phóng viên, nhà khoa học Thibaut Barreyre cho biết đáy đại dương là khu vực cho tới nay vẫn thuộc vào “điểm mù” của nhân loại. Để khắc phục điều này, nhóm các nhà khoa học quốc tế đang sử dụng công nghệ bao gồm robot tự hành và tàu ngầm do người điều khiển để thăm dò vùng đáy biển sâu. Dự án này khởi động từ năm ngoái và dự kiến sẽ kéo dài trong 5 năm.

 

6. Nga và Hàn Quốc thử nghiệm taxi không người lái

Việc phát triển xe tự lái hiện nay của các “ông lớn” công nghệ không chỉ có Google, Uber mà còn có sự tham gia của Apple. Taxi không người lái của hãng Yandex bắt đầu được chạy thử nghiệm tại trung tâm nghiên cứu Skolkovo của Nga. Taxi sẽ đưa hành khách xuất phát từ điểm A đến B mà không có tài xế. Cùng với Nga, hãng Hyundai (Hàn Quốc) cũng tiến hành thử nghiệm xe không người lái. Xe Mobis M.BILLY được trang bị những công nghệ cảm ứng tiên tiến nhất hiện nay, bao gồm 25 chíp cảm ứng được bố trí quanh thân xe, trong đó có 1 camera trước, 5 thiết bị radar, 1 radar lazer, 12 cảm biến siêu âm và bốn màn hình quan sát xung quanh.

Tuy nhiên, xe hơi tự lái vẫn còn tồn tại nhiều bất cập về phạm vi hoạt động cũng như công nghệ phần mềm. Ví dụ như xe hơi tự lái không phù hợp với những nơi đông đúc, không chạy được trên đường có nhiều vật cản va nguyên liệu để chế tạo loại pin này còn bị hạn chế.

 

7. Máy ATM với công nghệ nhận diện khuôn mặt hiện đại

Một chiếc máy rút tiền tự động (ATM) sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt vừa được giới thiệu tại một hội nghị do Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication - SWIFT) tổ chức tại Sydney (Australia) từ ngày 21-25/10. Được Ngân hàng quốc gia Australia (NAB) cùng Dịch vụ nhận diện hình ảnh Azure Cognitive Services của Tập đoàn Microsoft hợp tác phát triển, chiếc ATM sử dụng công nghệ điện toán đám mây vốn khai thác công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - AI) để nhận dạng khuôn mặt khách hàng và cho phép họ truy cập vào tài khoản ngân hàng chỉ với một lần quét.

 

8. Robot phẫu thuật ngay trong mắt người

Nếu như các robot tham gia vào phẫu thuật túi mật hay tuyến tiền liệt vào những năm trước thì năm 2018 các nhà khoa học đã tiến thêm một bước nữa: Đưa robot PRECEYES vào trong mắt người để thực hiện phẫu thuật. Trong cuộc thử nghiệm đưa robot tiến hành phẫu thuật, các nhà nghiên cứu đã lên danh sách 12 bệnh nhân cần tách bỏ một lớp màng khỏi võng mạc. Các bác sĩ đã tiến hành 6 cuộc phẫu thuật như vậy theo phương thức truyền thống và 6 cuộc phẫu thuật còn lại được thực hiện với sự trợ giúp của một robot. Cả 12 cuộc phẫu thuật này đều thành công.

 

9. Công nghệ màn hình gập trên smartphone

Ý tưởng về những chiếc điện thoại màn hình gập đã được nhen nhóm trong những năm qua với rất nhiều tin đồn, bằng sáng chế và thậm chí là cả mô hình thực tế. Năm 2018, công nghệ màn hình gập chính thức được Microsoft và Samsung “nổ” phát súng đầu tiên. Samsung sẽ tung ra thị trường chiếc smartphone màn hình gập đầu tiên với tên gọi Galaxy F hoặc Galaxy Flex vào đầu năm 2019. Đây sẽ là một “siêu phẩm” đang được rất nhiều người dùng quan tâm. Bên cạnh đó, các hãng smartphone lớn như Huawei, Lenovo, Xiaomi... cũng bắt đầu thực hiện công nghệ màn hình này.

Khánh Phương - Liên Nguyễn 

 
Nên đọc