Cơm lam
Cuối tháng 10, Sa Pa vào mùa gặt, khí hậu khô ráo dễ chịu, có chút se lạnh vào cuối thu Tây Bắc. Cơm lam được du khách yêu thích khi đến Sa Pa mùa này. Gạo nếp ngon sau khi thu hoạch được cho vào ống nứa lam rồi rải đều nướng trên bếp than hồng tạo thành món cơm thơm lừng. Món ăn tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại mang hương vị đặc trưng bởi sự hòa quyện giữa nước, lửa và những ống nứa non.
Xôi bảy màu
Cùng với cơm lam, không thể không nhắc đến món xôi bảy màu rực rỡ của đồng bào dân tộc Nùng Dín. Những loại lá, củ, quả trong thiên nhiên như: lá của cây hoa vàng, tro bếp, cây nghệ... giúp món xôi có hương vị vừa đặc biệt, vừa thơm ngon lại an toàn cho sức khỏe.
Xôi bảy màu |
Thắng cố
Nếu như ở miền Tây của Việt Nam có món lẩu mắm với hương vị đặc trưng, thì đồng bào người Mông ở Sa Pa cũng có món “lẩu” thắng cố vô cùng đặc biệt, được nấu khá đơn giản, thịt và nội tạng của ngựa sau khi được rửa sạch ninh nhừ cùng với 12 thứ gia vị truyền thống của dân tộc vùng cao bao gồm thảo quả, hoa hồi, quế chi, sả, gừng... Trong đó, cây thắng cố chính là loại gia vị cuối cùng, đặc trưng nhất. Thắng cố ngon nhất vào mùa Thu se lạnh hay mùa Đông giá rét, ăn kèm với các loại rau như ngồng su hào, cải lẩu, cải mèo càng tăng thêm hương vị đậm đà.
Đồ nướng
Vào khoảng tháng 10, thời tiết Sa Pa trở nên se lạnh, nhất là vào ban đêm, những xiên đồ nướng thơm lừng, nóng hổi sẽ làm ấm dạ dày của bạn. Đồ nướng Sa Pa rất đa dạng từ các món quen thuộc như khoai, ngô, sắn nướng... đến những món độc đáo mang bản sắc riêng như: thịt lợn bản xiên, ba chỉ nguyên miếng, cánh gà, chim cút, lòng, bò cuốn cải mèo, bò cuốn nấm kim châm, chả cá hồi, hay thanh đạm hơn là những xiên rau, nấm... trông rất bắt mắt, ăn vào có cảm giác tê đầu lưỡi, rất ấn tượng.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu ở Sa Pa thường được làm vào cuối Thu khi thời tiết bắt đầu se lạnh. Lúc này, những gia đình người dân tộc thiểu số thường xẻ thịt trâu bò và chừa lại một phần làm thịt gác bếp để ăn dần vào mùa Đông. Để làm thịt gác bếp, người dân chọn phần thịt nạc vai, nạc lưng, sau đó lọc sạch mỡ, gân rồi cắt thành từng miếng vuông dày 2-3 cm. Tiếp theo, ướp thịt với mắc khén đã giã nhỏ cùng bột ớt, muối và hạt chuối rừng giã nhuyễn rồi treo lên gác bếp củi. Hơi nóng của khói bếp củi giúp thịt vừa chín dần lại vừa có mùi vị đặc biệt khó quên.
Thịt trâu gác bếp |
Lợn cắp nách
Lợn cắp nách là giống lợn Mường ở Sa Pa, sở dĩ có tên gọi này vì lợn khi trưởng thành chỉ nặng 4–5 kg, người ta chỉ cần “cắp nách” là có thể mang đi. Giống lợn này khá nhỏ nên tẩm ướp để nướng hoặc quay nguyên con là ngon nhất. Khi nướng chín, bên ngoài lớp da vàng rộp, giòn tan, lớp thịt nạc bên trong mềm thơm, ngọt lịm, dày không đến 2 cm, xương cũng rất nhỏ và mềm. Giữa cái se lạnh cuối Thu Tây Bắc, thưởng thức một miếng thịt “lợn cắp nách” nóng hổi nhâm nhi với rượu táo mèo thật không gì tuyệt vời hơn!
Lợn cắp nách |
Cá hồi Sa Pa
Xuất xứ từ Châu Âu, những con cá hồi được nuôi thành công trong các cái ao nhân tạo dưới chân Thác Bạc, ở độ cao 1.800m so với mực nước biển. Trại nuôi cá dưới chân Thác Bạc là một trong những địa điểm được nhiều du khách ghé thăm, bởi nằm ngay dưới chân đỉnh núi Fansipan. Thịt cá hồi với vị béo ngậy, thơm ngon, đậm đà cùng giá trị dinh dưỡng cao đang là món ăn được nhiều du khách chọn thưởng thức khi đến với Sa Pa. Cá hồi có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như: gỏi, lẩu, cháo, nướng, trứng cá hấp, cá hun khói, cá hồi tẩm sốt cam và tiêu xanh, cá hồi nhồi dưa chuột…
Quả táo mèo
Táo mèo mọc hoang trên núi Hoàng Liên Sơn, bắt đầu ra hoa vào cuối tháng 3 (cuối mùa Xuân) và có quả từ tháng 8 đến tháng 10 (vào mùa Thu). Đầu tháng 10, táo mèo chín rộ, cũng là lúc được người Mông bày bán khắp các chợ ở Sa Pa. Khi cho vào hũ ngâm rượu, táo mèo được bổ đôi, bỏ sâu bên trong, giữ lại hạt vì có tác dụng làm thuốc. Ngâm táo với đường trong 2 tuần rồi chắt nước cốt ra, đổ rượu vào rồi ngâm tiếp 2 tuần nữa là uống được. Rượu táo mèo có tác dụng an thần, tăng cường sinh lực, chữa được nhiều loại bệnh như đau đầu, mất ngủ, chóng mặt...
Hồng Nhi