TCVN 14290-5:2024 cải tạo rừng tự nhiên trên cạn để hạn chế xói mòn, lũ lụt

(CL&CS) - Việc cải tạo rừng tự nhiên trên cạn mang ý nghĩa quan trọng giúp chống xói mòn đất, lũ lụt...nhưng nên tuân theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14290-5:2024.

Tài nguyên rừng đóng vai trò vô cùng quan trọng như điều hòa khí hậu, điều tiết nước giảm lũ lụt, tăng năng suất cho nông lâm nghiệp, giúp phát triển mô hình du lịch sinh thái...nhưng trên thực tế, rừng đang ngày càng suy kiệt. Hiện nay có rất nhiều biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả được đề ra trong đó việc cải tạo rừng theo tiêu chuẩn là một trong những phương pháp giúp hồi sinh rừng một cách hiệu quả.

Theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14290-5:2024 do Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố thì đối tượng cải tạo gồm rừng lá kim, rừng trẻ nứa, rừng hỗn loài tre nứa và gỗ, rừng lá rộng rụng lá không có khả năng phục hồi và có giá trị kinh tế.

Nội dung khảo sát bao gồm vị trí và diện tích sử dụng bản đồ địa hình có tỷ lệ 1: 5 000 hoặc 1:10 000 là bản đồ gốc hoặc được phóng từ bản đồ địa hình 1: 25 000 có hệ tọa độ gốc VN-2000 làm bản đồ nền. Rà soát ranh giới, đo và tính diện tích lô cải tạo rừng bằng thước dây hoặc máy định vị vệ tinh áp dụng tại TCVN 13703:2023.

Việc cải tạo rừng trên cạn giúp chống xói mòn đất, bảo vệ con người trước thiên tai lũ lụt. Ảnh minh họa

Trước mắt cần xác định nhóm thực bì của từng lô thiết kế cải tạo rừng. Điều tra ô dạng bản điển hình cho lô cải tạo rừng nhằm xác định loài chủ yếu, chiều cao trung bình và độ che phủ của thực bì. Xác định mật độ, chiều cao trung bình, đường kính trung bình, độ tàn che và trữ lượng tầng cây cao có trong lô cải tạo rừng. Xác định mật độ, chiều cao bình quân và phân bố cây tái sinh mục đích.

Điều tra ô dạng bản được bố trí trong các ô tiêu chuẩn khảo sát tầng cây cao. Xác định độ cao tuyệt đối của các lô khu thiết kế cải tạo rừng. Xác định độ dốc khu thiết kế cải tạo rừng. Sử dụng thiết bị chuyên dụng có sai số nhỏ hơn hoặc bằng 0,5° để đo độ dốc tại 03 vị trí đại diện cho từng lô cải tạo rừng. Xác định cự ly di chuyển từ địa điểm tập trung đến lô trồng cải tạo rừng. Sử dụng máy định vị vệ tinh đo khoảng cách từ địa điểm tập trung đến từng lô cải tạo rừng.

Cần xác định nhiệt độ trung bình năm khu thiết kế cải tạo rừng nên sử dụng số liệu tại trạm khí tượng gần nhất với nơi cải tạo rừng, tính giá trị trung bình theo từng chỉ tiêu trong ít nhất 3 năm gần nhất với thời điểm thiết kế cải tạo rừng. Sử dụng phương pháp điều tra nhanh một số chỉ tiêu về đá mẹ, loại đất, độ dày tầng đất, thành phần cơ giới, độ chặt, tỷ lệ đá lẫn và tình hình xói mòn.

Ngoài ra cũng cần xác định vị trí, diện tích, ranh giới và một số đặc điểm về điều kiện tự nhiên của từng lô cải tạo rừng. Sử dụng kết quả khảo sát tương ứng với các mục ở trên để gắn và đánh số cho từng lô cải tạo rừng.

Về thiết kế cải tạo rừng nội dung và phương pháp thiết kế các hạng mục cải tạo rừng quy định tại tiêu chuẩn này. Theo đó diện tích tối đa được cải tạo một lần không quá 50 ha trong một tiểu khu rừng, khi cây trồng trên diện tích cải tạo đủ tiêu chí thành rừng mới được thực hiện ở diện tích rừng khác trong cùng tiểu khu.

Yêu cầu về bón lót phân căn cứ vào các tiêu chuẩn quốc gia, quy trình kỹ thuật hoặc hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định của Bộ, của địa phương về kỹ thuật trồng rừng từng loài cây đã được ban hành để lựa chọn chủng loại và liều lượng phân phù hợp như phân hữu cơ bón tối thiểu 7 ngày trước khi trồng cải tạo rừng.

Về phương thức trồng cải tạo rừng bao gồm trồng thuần loài, trồng hỗn giao, trồng bằng cây con có bầu, trồng bằng hạt gieo thẳng, trồng bằng cây con rễ trần. Thời vụ trồng cải tạo rừng thích hợp theo vùng sinh thái lâm nghiệp. 

Khi trồng cần xác định tiêu chuẩn cây giống, hạt giống trồng cải tạo rừng. Trước mắt phải lưu ý tới chiều cao, đường kính gốc tối thiểu, hình thái, tình trạng sâu bệnh hại đối với cây giống và chất lượng đối với hạt giống. 

Tiêu chuẩn này cũng nêu, nên áp dụng phương pháp điều tra phục vụ phòng, chống sâu, bệnh hại áp dụng tại TCVN 8927:2023 và TCVN 8928:2023. Phương pháp phòng, chống sâu, bệnh hại áp dụng tại TCVN 8927:2023 và TCVN 8928:2023.

TIN LIÊN QUAN