Từ khi taxi công nghệ xuất hiện (Grab và Uber), taxi truyền thống đối diện với muôn vàn khó khăn. Theo thời gian, khó khăn đó không những không được giải quyết mà càng trở nên nặng nề hơn. Điều đó được thể hiện rõ qua tình hình tài chính của Vinasun và Mai Linh.
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 với các con số bi quan.
Theo đó, trước sức ép của taxi công nghệ, doanh thu Tập đoàn vốn đã lao dốc, nay càng lao dốc mạnh hơn. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 chỉ còn 1.590 tỷ đồng, giảm 647 tỷ đồng, tương đương 28,9% so với năm 2019.
Trong năm, Mai Linh rất nỗ lực cắt giảm các loại chi phí. Theo đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 402 tỷ đồng xuống 346 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm từ 157 tỷ đồng xuống 113 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm từ 163 tỷ đồng xuống 140 tỷ đồng.
Nỗ lực thắt lưng buộc bụng nhưng Mai Linh vẫn không thể “cứu” được lợi nhuận. Hoạt động kinh doanh khiến Mai Linh lỗ 264 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 148 tỷ đồng của năm 2019.
Khoản lợi nhuận khác không bù đắp được cho Mai Linh lên lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Tập đoàn vẫn là âm 185 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lỗ 6,3 tỷ đồng năm 2019.
Thua lỗ liên miên trong suốt thời gian dài nên Mai Linh lỗ luỹ kế lên đến 1.210 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã “ăn” vào vốn chủ sở hữu của Mai Linh. Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu chỉ còn 173 tỷ đồng dù vốn góp lên đến 1.247 tỷ đồng.
Không chỉ thua lỗ, Mai Linh còn đang phải đối diện với tình trạng nợ nần chồng chất. Tại thời điểm 31/12/2020, tổng nợ phải trả tại Mai Linh lên đến 4.309 tỷ đồng, cao gấp 25 lần vốn chủ sở hữu và chiếm tới 96% tổng nguồn vốn.
Trong đó, nợ vay tại Mai Linh là con số rất lớn, đạt 1.506 tỷ đồng, cao gấp 8,7 lần vốn chủ sở hữu. Đáng lo ngại ở chỗ, nợ ngắn hạn lên tới 1.054 tỷ đồng. Áp lực trả nợ trước mắt của Mai Linh không hề nhỏ khi mà tiền và các khoản tương đương tiền chỉ đạt gần 21 tỷ đồng, giảm mạnh so với 46 tỷ đồng hồi đầu năm.
Trước sự “tấn công” của taxi công nghệ, Mai Linh không phải “đứng im chịu trận” mà cũng rất nỗ lực cải thiện tình hình. Trong ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hồi đầu năm 2020, Mai Linh đã lên kế hoạch cụ thể để cạnh tranh.
Theo đó, trong kế hoạch hoạt động năm 2020, ban lãnh đạo Mai Linh nhấn mạnh tham vọng sau năm 2021 doanh nghiệp sẽ có 20.000 xe taxi công nghệ, chiếm lĩnh thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam, vốn đang được chia hai ông lớn là Grab và beGroup.
Ngay giữa tháng 7/2020, Mai Linh đã cho ra mắt mô hình xe taxi công nghệ, gồm Smart Taxi và SmartCar tại Nghệ An. Theo mô hình này, khách hàng có thể đặt xe thông qua ứng dụng, qua tổng đài hoặc đón xe ở điểm bất kì. Toàn bộ cước phí sẽ được tính toán và hiển thị trên ứng dụng điện thoại hoặc đồng hồ thông minh.
Ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh cho biết, đây là chiến lược quan trọng của Tập đoàn trong thời gian tới. "Chúng tôi phải chuyển mình thay đổi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trên đường đua số", ông Hồ Huy khẳng định.
Chưa rõ trong dài hạn kế hoạch này có khả thi hay không, chỉ biết, sau vài tháng Mai Linh đưa mô hình mới đi vào hoạt động, tình hình tài chính của Mai Linh không những không được cải thiện mà còn khó khăn hơn.