TP.HCM có nhiều kênh rạch, việc phát triển “buýt” đường sông sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông trên bộ. |
Hào hứng với "buýt" đường sông
Theo ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, tuyến 1 "buýt" đường sông với chiều dài 10,8 km, xuất phát từ bến Bạch Đằng (Q.1) và kết thúc tại bến khách ngang sông Bình Quới, phường Linh Đông (Q.Thủ Đức). Lộ trình chạy qua sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, có 7 bến dừng thuộc địa bàn quận 1, 2, Bình Thạnh, Thủ Đức và ngược lại.
Tuyến 2 với chiều dài 10,3 km, bắt đầu từ bến Bạch Đằng đi Lò Gốm (Q.8) chạy theo lộ trình sông Sài Gòn - kênh Bến Nghé - Tàu Hủ - Lò Gốm, sẽ đi ngang qua các quận 1, 4, 5, 6, 8 và ngược lại. Dự kiến mỗi tuyến có giá vé 15.000 đồng/lượt.
Với thông tin sắp có loại hình vận tải công cộng trên sông, nhiều người dân đã rất hồ hởi chờ đón phương tiện này. Ông Nguyễn Hải Lâm (ngụ P.1, Q.6) cho biết, mỗi ngày ông điều khiển xe máy sang đường Hoàng Diệu (Q.4) để làm việc. Tuyến đường Võ Văn Kiệt vào mỗi buổi sáng thường ùn tắc cục bộ tại những khu vực có cầu bắc ngang kênh. Vì thế, nếu tuyến buýt trên sông hoạt động, ông Hải chỉ cần bước bộ từ nhà sang bờ kênh Tàu Hủ để xuống tàu đi làm khá tiện lợi.
Anh Trần Phước Sơn, có nhà trên đường Võ Văn Kiệt (phường 10, quận 6), nói: “Tuyến buýt đường sông sẽ thuận tiện với những hộ dân sống gần kênh rạch. Hiện nay, dọc kênh Tàu Hủ, Bến Nghé đã được xây dựng rất đẹp nhưng vẫn thường xuyên ùn tắc, trong khi đó hệ thống đường thủy lại bị lãng quên là phí phạm. Tuy nhiên khi hoạt động, nhà đầu tư cũng cần nghiên cứu xây dựng bãi giữ xe gắn máy thì sẽ thu hút người dân đi “buýt" trên sông nhiều hơn vì giá 15.000 đồng/lượt là khá mềm”.
Các công ty du lịch trên địa bàn TP.HCM cũng rất hào hứng. Bởi nếu các dịch vụ của các tuyến "buýt" đường sông tốt, sẽ thu hút khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Vì hiện nay tại các khu vực ven kênh, rạch và sông Sài Gòn có rất nhiều khu đô thị hoành tráng mọc lên.
Đại diện một công ty lữ hành khẳng định: "Việc đưa các tuyến “buýt" đường sông vào hoạt động sẽ góp phần không nhỏ vào phát triển du lịch, tăng thu ngân sách của TP.HCM vì thành phố có hệ thống kênh, rạch, sông nước rất lớn".
“Buýt” đường sông sẽ giảm ùn tắc giao thông trên bộ tại TP.HCM |
Giảm ùn tắc trên bộ
Về thời gian tuyến “buýt" trên sông hoạt động, ông Bằng cho biết: “Dự kiến vào ngày 10/8 sẽ vận hành kỹ thuật tuyến số 1, đưa vào khai thác trong tháng 8/2017; sau đó sẽ có 6 tàu với sức chở 80 khách/tàu, hoạt động 12 chuyến/ngày. Lộ trình cụ thể của tuyến "buýt" đường sông đầu tiên, gồm: tuyến số 1: Bến số 1 (Bạch Đằng, Q.1) - bến số 2 (Sài Gòn Pearl, Q. Bình Thạnh) - bến số 3 (Bình An, Q.2) - bến số 4 (Thảo Điền, Q.2) - bến số 5 (Tầm Vu, Q. Bình Thạnh) - bến số 6 (Thanh Đa, Q. Bình Thạnh) - bến số 7 (Bình Triệu, Q. Thủ Đức) - bến số 8 (Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức) - bến số 9 (Bình Quới, Q. Bình Thạnh).
Đối với tuyến số 2 sẽ được vận hành khi cống kiểm soát triều Bến Nghé hoàn thành trong quý 1/2018). Cũng trong năm này, sẽ có 4 tàu với sức chở 60 khách/tàu, tần suất hoạt động của tuyến số 2 là 6 chuyến/ngày”.
Cũng theo ông Bằng, khi 2 tuyến “buýt" trên sông đi vào hoạt động, sẽ vận chuyển khoảng 3.000 lượt hành khách/ngày và sẽ giảm tải áp lực giao thông cho các khu vực trên bộ (suốt lộ trình từ đầu đến cuối của mỗi tuyến). Theo dự kiến, lộ trình toàn tuyến mất khoảng 45-60 phút/chuyến.
Theo UBND TP.HCM, tuyến "buýt" đường sông nhằm giảm ùn tắc giao thông trên bộ cho một số khu vực trong thành phố. Sau khi ký hợp đồng đầu tư 2 tuyến “buýt" trên sông vào cuối tháng 5/2017, UBND TP. HCM cũng đã phê duyệt để Sở GTVT ký với Công ty TNHH Thường Nhật (đơn vị đầu tư, thi công tuyến "buýt" đường sông) thêm tuyến số 3 (bến Bạch Đằng - mũi Đèn Đỏ, Q.7) và số 4 (bến Bạch Đằng - Phú Mỹ Hưng, Q.7).
Cần bảo đảm chất lượng tàu Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã dẫn đoàn khảo sát công tác chuẩn bị tại xưởng đóng tàu của Công ty TNHH TM Tân Viễn Đông, nơi đang đóng những chiếc tàu phục vụ tuyến buýt sông của TP.HCM. Tại đây, ông Cường yêu cầu: “Đơn vị thi công cần bảo đảm chất lượng tàu, đồng bộ với cơ sở hạ tầng đường thủy. TP.HCM mong muốn người dân đi “buýt” sông lần đầu tiên là cảm thấy thích và quay lại sử dụng thường xuyên”. |
Hoàng Bắc Ảnh: Internet