Tập huấn quy định của pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh rượu thủ công

(CL&CS) - Vừa qua tại thành phố Ninh Bình, đã diễn ra Hội nghị tập huấn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu cho cán bộ chuyên trách các cấp tại tỉnh Ninh Bình.

Đây là hoạt động trong Chương trình tăng cường năng lực quản lý rượu thủ công tại tỉnh Ninh Bình do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình thực hiện.

Phát  biểu tại Hội nghị  Ông Vũ Đức Nam, Phó Trưởng phòng công nghiệp Thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết trước khi Nghị định số 105 ra đời, cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu quy mô lớn, chẳng hạn như vụ ngộ độc Rượu nếp 29 Hà Nội năm 2013 làm nhiều người tử vong; và đặc biệt ngày 13 tháng 02 năm 2017 đã xảy ra vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, làm 69 người bị ngộ độc, trong đó có 9 người bị tử vong. Vì vậy, ngày 10 tháng 3 năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 371 về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu và Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã liên tiếp ban hành 2 Chỉ thị đó là Chỉ thị số 02 ngày 14 tháng 03 năm 2017 về tăng cường quản lý ATTP đối với sản xuất kinh doanh rượu và Chỉ thị số 03 ngày 28 tháng 03 năm 2017 về việc tăng cường quản lý hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm.

Ông Vũ Đức Nam, Phó Trưởng phòng công nghiệp Thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

Kể từ sau khi Nghị định 105 ra đời tình trạng ngộ độc rượu trên phạm vi cả nước đã được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, đến thời điểm gần đây tình trạng ngộ độc rượu lại xảy ra, cụ thể là ngày 12/11/2020 vừa qua trên cơ sở báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai về việc tiếp nhận 07 bệnh nhân trong 02 vụ ngộ độc methanol và cảnh báo khẩn của Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế về ngộ độc Methanol sau khi uống rượu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương đã giao Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố trong quá trình triển khai thực hiện ngay hoạt động thanh tra, kiểm tra hàng hóa trên thị trường nếu phát hiện ra sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm nêu trên đang lưu thông trên thị trường thì kịp thời thu hồi, xử lý theo quy định.

Đồng thời Nghị định 105 quy định định kỳ hàng năm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu phải gửi báo cáo đến các cơ quan cấp phép và các cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải gửi báo cáo đến các cơ quan chuyên môn cấp trên để tổng hợp. Tuy nhiên, thực tế hàng năm Bộ Công Thương nhận được rất ít báo cáo từ các doanh nghiệp và từ các Sở Công Thương.

 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Các văn bản pháp lý (Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu; Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc quản lý Bộ Công Thương; Nghị định 24/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Thông tư 26/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định biểu mẫu kê khai của hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh) đã quy định các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với sản xuất rượu thủ công, vận động người dân tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.

Để khắc phục một số tồn tại  sản xuất rượu thủ công  theo ông Ông Vũ Đức Nam các lực lượng quản lý thị trường từ trung ương đến địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đặc biệt là rượu sản xuất thủ công. Chú trọng kiểm tra, phát hiện các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm để pha chế rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn, quảng cáo, vi phạm về công bố hợp quy và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng, góp phần ngăn ngừa các vụ ngộ độc rượu diễn ra trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và toàn thể người dân (nhất là người dân tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi) biết và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu và các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đặc biệt, là tuân thủ thực hiện đầy đủ việc cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và đăng ký sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh với UBND cấp xã.

TIN LIÊN QUAN