Tạo “sức sống” mới cho sản phẩm lụa truyền thống

(CL&CS) - Mặc dù nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa hiện nay của Hà Nội không còn nhiều, nhưng đây vẫn là một trong những thế mạnh của làng nghề Thủ đô, với những sản phẩm tơ tằm độc đáo, mang đặc trưng và dấu ấn riêng.

Hà Nội là địa phương có điều kiện tự nhiên, xã hội tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Các địa phương ven sông từ lâu đã có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải truyền thống. Trải qua nhiều thăng trầm, vượt qua nhiều khó khăn trong xây dựng phát triển vùng nguyên liệu, lựa chọn cây giống, con giống, kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, tiêu thụ sản phẩm... Hà Nội đã hình thành được vùng trồng dâu, làng nghề nuôi tằm tập trung chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và gắn sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chăn nuôi, thu mua, ươm tơ, kéo sợi đến thành phẩm và tiêu thụ. Điển hình là làng nghề Phùng Xá, huyện Mỹ Đức.

Bà Phan Thị Thuận tại xưởng dệt.

Phùng Xá được coi là cái nôi của nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa với truyền thuyết về công chúa Thiều Hoa, người có công truyền dạy nghề trồng dâu nuôi tằm cho nhân dân. Làng nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ kéo sợi, những năm 1970 - 1980, được mệnh danh là “Thủ đô dâu tằm” của miền Bắc, với các mặt hàng tơ lụa được xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Thời điểm đó, mỗi gia đình thường có từ 1 đến 4 khung dệt. Các hộ thường lấy nguyên liệu về nhà dệt, nhuộm, sau đó giao lại cho cơ sở để cắt và may hoàn thiện sản phẩm. Những sản phẩm lụa tơ tằm được làm thủ công, chất lượng và đa dạng màu sắc là những sản phẩm tinh xảo được hình thành qua rất nhiều công đoạn, với trí tuệ của người thợ dệt lụa Phùng Xá.

Trải qua rất nhiều thăng trầm, nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa của Phùng Xá ngày dần mai một, đến nay làng nghề Phùng Xá chỉ còn có một doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả, đó là Công ty TNHH dâu tằm tơ Mỹ Đức của bà Phan Thị Thuận. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ba đời làm nghề dệt lụa, được truyền nghề từ lúc 6 tuổi, vì vậy, với bà Phan Thị Thuận, cây dâu, nong tằm, nong kén gắn bó với bà như máu thịt. Chứng kiến nghề truyền thống lụi tàn, bà không cam lòng. Bà quyết tâm giữ lại nong tằm nhà mình và bỏ nhiều công sức đi vận động, tổ chức các hộ nuôi tằm để gìn giữ nghề.

“Tôi chỉ ra cho bà con thấy rằng, nếu đi làm thuê thì phải hết tháng mới được trả lương, còn nuôi dâu tằm thì chỉ cần 20 ngày là đã có thu nhập. Đây là một quy trình khép kín, thân thiện với môi trường, tạo thu nhập ổn định, lại phù hợp với lao động ở các độ tuổi nên đó chắc chắn là hướng phát triển bền vững”, bà Thuận kể.

Hàng năm, công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động của xã, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/ tháng. Bà Thuận đã phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ thành một quy trình sản xuất khép kín, độc đáo và bà Thuận cũng người Việt Nam đầu tiên dệt lụa từ tơ sen. Các sản phẩm từ lụa tơ tằm, tơ sen như: Khăn lụa tơ tằm, khăn lụa tơ sen, chăn bông tơ tằm của bà Thuận đã được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao năm 2020 (sản phẩm cấp quốc gia - hạng cao nhất trong thang bậc đánh giá sản phẩm OCOP).

Ngoài ra, Hà Nội còn có làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông. Giống như bao làng nghề khác, quá trình đô thị hóa cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến nét cổ xưa của làng. Song nhờ sự nỗ lực của chính quyền và người dân, làng nghề nơi đây đang ngày một hồi sinh và đứng vững trên thị trường. Với bề dày truyền thống hơn 1.000 năm, làng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn hoạt động duy trì đến ngày nay”.

Hiện làng lụa Vạn Phúc có khoảng 300 hộ dệt, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Để phục vụ khách du lịch, các gian hàng trong khu phố lụa được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt. Các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm mới, các mẫu thiết kế thời trang, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lụa đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Các sản phẩm dệt của Vạn Phúc có một số sản phẩm vải lụa đặc sắc, riêng có của làng nghề, được người tiêu dùng đánh giá cao như: Lụa hoa, lụa trơn, lụa vân, gấm, đũi,... ngoài ra còn có các sản phẩm lưu niệm khác như: Khăn quàng các loại, cavat, túi, ví... Do vậy, nhu cầu sử dụng tơ của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc để sản xuất là rất lớn.

Sản phẩm ở làng lụa Vạn Phúc ngày càng đa dạng.

Không chỉ tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh mà làng lụa Vạn Phúc còn gắn kết với du lịch, dịch vụ. Ngày nay, ngoài việc kinh doanh các sản phẩm làm từ lụa, các cơ sở sản xuất còn kết hợp mô hình cho du khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm, giúp khách hàng thấy được giá trị chất lượng của sản phẩm lụa nơi đây để yên tâm lựa chọn mua sắm.

Đặc biệt, nhận thức rõ về việc nếu không duy trì được nét độc đáo và sự khác biệt riêng của lụa Vạn Phúc sẽ khiến làng nghề bị mai một, các nghệ nhân của làng đã dần khôi phục cách dệt truyền thống, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu tại những thị trường quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Huệ, người đã có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề dệt lụa cho biết: “Thương hiệu lụa của làng nổi tiếng bởi chất liệu từ 100% sợi tơ tự nhiên vừa óng ánh, vừa mềm mại, khác xa các sản phẩm khác trên thị trường. Trải qua bao đổi thay, ngày nay làng lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cổ truyền trên từng tấm lụa. Lụa Vạn Phúc ngày nay được biến tấu trở nên đa dạng hơn về chủng loại, mẫu mã, cùng với những tên gọi khác nhau”.

Đặc biệt, để phát triển du lịch bền vững, quảng bá sản phẩm, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: Khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm. Ngoài ra, nơi đây đã thành lập Hợp tác xã Vụn Art, mang lại thu nhập cho người khuyết tật bằng việc sử dụng các vải lụa vụn để ghép tranh lụa xuất khẩu ra nước ngoài.

Nhằm quảng bá nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến du lịch làng nghề, mới đây thành phố Hà Nội đã tổ chức Tuần lễ Văn hóa, du lịch, thương mại làng nghề Vạn Phúc với chủ đề: “Vạn Phúc - Sắc màu hội nhập”. Tuần lễ đã góp phần khơi dậy niềm tự hào quê hương, quảng bá nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc cũng như thúc đẩy xúc tiến thương mại - du lịch làng nghề, nâng cao vị thế, hình ảnh làng nghề đến đông đảo người dân Thủ đô cũng như du khách trong nước, quốc tế.

“Người dân Vạn Phúc chúng tôi luôn tự hào với những nét đẹp truyền thống của địa phương. Mỗi người dân nơi đây đều ý thức rõ trách nhiệm phải gìn giữ, kế thừa truyền thống của làng và đưa Vạn Phúc trở thành phường phát triển vững mạnh trong tiến trình hội nhập”, ông Nguyễn Tất Thanh, một người dân làng Vạn Phúc chia sẻ.

TIN LIÊN QUAN