Tăng trưởng tín dụng đến trung tuần tháng 5 đạt 1,2%

(CL&CS) - Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 4 đạt 1,42%, nhưng sang trung tuần tháng 5 lại giảm xuống còn 1,2%.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu chủ trì Hội nghị

Tăng trưởng tín dụng tháng 1 đạt 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42%, và đến trung tuần tháng 5 khoảng 1,2%.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh tới khả năng trả nợ của các khách hàng, với ước tính có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng.

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp tại Hà Nội sáng 14/5, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng đã bắt đầu tăng trở lại, tăng trưởng tín dụng đến 30/4 tăng 1,42%. Tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với năm ngoái khi dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh tới quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, nhiều doanh nghiệp thậm chí chưa biết vay vốn để làm gì.

Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống của người dân. Ngân hàng Nhà nước dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay sau khi bắt đầu có dịch, ngành ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời xây dựng khuôn khổ pháp lý bằng việc ban hành ngay Thông tư 01 và Chỉ thị 02 vào đầu tháng 3/2020 để các tổ chức tín dụng triển khai việc gia hạn các khoản nợ gốc và lãi đến hạn, miễn giảm lãi, phí và tiếp tục cho vay mới đối với những dự án, doanh nghiệp cần vốn để duy trì và phục hồi trong thời điểm cao trào chống dịch.

Sau 2 tháng, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ 130.000 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630.000 tỷ đồng cho 182.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 103.000 khách hàng với dư nợ trên 2.800 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 517.000 khách hàng với dư nợ gần 19.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01, Thông tư 01, Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước theo hướng chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc.

Từ 13/5, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.

 Nguyễn Như

Nên đọc