Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2023, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và duy trì tăng trưởng.
Tính đến thời điểm 20/3/2023, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 1,61% trong khi cùng thời điểm năm 2022 tăng 4,03%. Cùng với đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng cũng chỉ tăng 0,77% (cùng thời điểm năm 2022 tăng 2,15%).
Tổng phương tiện thanh toán tăng 0,57% so với cuối năm 2022, cùng kỳ năm trước tăng 2,49%.
Tín dụng đã tăng rất chậm trong các tháng đầu năm do nhu cầu vay vốn sụt giảm trong khi mặt bằng lãi suất tăng cao. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, huy động vốn tăng 0,05% so với cuối năm 2022.
Lý giải về điều này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào đầu tháng 3, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết tín dụng hai tháng đầu năm tăng chậm do thời điểm này trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Cùng với đó, sức khỏe nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, không đáp ứng được các điều kiện vay vốn. Các đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.
Những năm trước, tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại, song năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Khó khăn của bất động sản hiện nay là vấn đề pháp lý (chiếm 70%), do đó, nếu khó khăn này được tháo gỡ, các tổ chức tín dụng mới có điều kiện thúc đẩy giải ngân tín dụng bất động sản.