Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, giá bất động sản không có chiều hướng giảm trong quý II/2024. Cụ thể, giá chung cư tại Hà Nội tăng trung bình 31% so với mức giá bán cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo quý II/2024 của Bộ Xây dựng cho biết, đến tháng 6/2024, trên địa bàn cả nước hiện có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn; tăng 4 dự án với 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024.
Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án với quy mô 39.884 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô 115.379 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 300 dự án với quy mô 262.937 căn.
Như vậy, thời gian tới, nguồn cung nhà ở xã hội tại Hà Nội và một số địa phương khác sẽ dồi dào hơn so với hiện tại.
Trên thực tế, nguồn cung nhà ở xã hội đang vô cùng khan hiếm. Chung cư Hà Nội là sự chiếm lĩnh của nguồn hàng trung cấp và cao cấp. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường Hà Nội nhận thấy nguồn cung rất khó có thể cải thiện trong ngắn hạn bởi quỹ đất không có nhiều, nhất là khu vực trung tâm, trong khi đó giá bán đang neo cao.
“Với các quy định mới sắp có hiệu lực trong thời gian tới, nếu chúng ta vẫn duy trì cách làm như hiện tại thì cả kể là 5 năm nữa, nguồn cung chung cư sẽ rất khó cải thiện, nếu có thì sẽ tập trung chủ yếu ở các dự án của chủ đầu tư nước ngoài. Muốn tăng nguồn cung thì Nhà nước phải tham gia cầm trịch việc phát triển phân khúc nhà ở xã hội, không nên mong chờ ngân hàng giảm lãi suất”, ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Luật Nhà ở (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội. Những điểm mới trong các bộ luật này góp phần tháo gỡ những khó khăn mà thị trường phải đối mặt trong thời gian qua, trong đó có những “điểm nghẽn” về nhà ở xã hội.
Cụ thể, Luật Nhà ở mới quy định những doanh nghiệp định hướng phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được nhiều ưu đãi với các cơ chế thông thoáng hơn. 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương, căn cứ vào đó các địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp. Luật Nhà ở 2023 cũng bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Những chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội sẽ được miền trừ thuế toàn bộ phần diện tích xây nhà ở xã hội mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất và thủ tục xin miễn trừ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng chỉ sẽ áp dụng biên độ lợi nhuận ở phần diện tích xây nhà ở xã hội cũng được xem là điểm cộng để tăng sức hút đầu tư. Theo đó, Ông Nguyễn Văn Đính dự báo, khi nguồn cung nhà ở xã hội bật tăng thì mặt bằng giá căn hộ sẽ xuống mức phù hợp hơn với người dân có nhu cầu ở thực.
Bên cạnh việc chờ đợi sự tác động tích cực của các bộ luật mới, theo chuyên gia, để tăng nguồn cung phân khúc nhà ở bình dân, cần nhiều giải pháp đồng bộ khác. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề nghị Bộ Xây dựng khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (từng được Bộ Xây dựng đề xuất trước đó) để đạt mục tiêu xây tối thiểu một triệu căn nhà xã hội đến 2030. Ở gói này, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5% một năm, thời hạn vay tối đa 25 năm, tương tự gói tín dụng 30.000 tỷ đồng áp dụng hơn 10 năm trước.
Đồng thời, để tăng sức hút với doanh nghiệp, ông Châu đề nghị dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội tăng thêm lợi nhuận định mức lên 15%, thay vì 10% như trước, áp dụng cho doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất. Việc "cởi trói" cho doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để cải thiện nguồn cung sản phẩm, mở ra cơ hội mua nhà cho người dân.
Sự chạy đua của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp nguồn cung phân khúc nhà ở vừa túi tiền có thể bùng nổ ở các thị trường vùng ven TP.HCM, Hà Nội trong 1-2 năm tới, giải tỏa "cơn khát" sở hữu nhà cho người dân có nhu cầu ở thực vốn đang lên tới đỉnh điểm trong thời gian qua.