Tăng đáng kể trong năm 2020
Trong năm 2020, sau khi lao đao vì đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam nhanh chóng phục hồi và chinh phục thành công ngưỡng 1.000 điểm. Cổ phiếu nhiều nhóm ngành như ngân hàng, dược phẩm,… tăng rất mạnh.
Không bứt phá như các nhóm ngành kể trên nhưng cổ phiếu ngành ô tô vẫn có bước tiến đáng kể. Thậm chí, có mã còn lập kỷ lục về giá.
Trong những phiên cuối cùng của tháng 12, cổ phiếu HHS của Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy đi lên khá mạnh. Sau gần 1 năm giao dịch, HHS tăng 2.270 đồng/CP, tương đương 72,5%. Vốn hoá thị trường Hoàng Huy tăng thêm 623 tỷ đồng.
HHS là cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm ngành ô tô. Dù tăng mạnh nhưng cổ phiếu HHS vẫn đứng rất xa mệnh giá.
Cuối tháng 12, cổ phiếu HTL của Công ty Cổ phần Kỹ thuật và Ô tô Trường Long giao dịch quanh mức 16.250 đồng/CP, tăng 1.970 đồng/CP, tương đương 13,8% so với phiên 31/12/2019. Như vậy, vốn hoá thị trường HTL có thêm 23,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu HAX của Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh tăng 4.920 đồng/CP, tương đương 34%. HAX đã lập đỉnh mới của năm 2020. Vốn hoá thị trường đại lý lớn nhất của Mercedes Benz có thêm 181 tỷ đồng.
Sau khi HAX lập đỉnh, Hàng Xanh thông qua quyết định HĐQT bán toàn bộ 134.270 cổ phiếu quỹ để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau khi cổ phiếu quỹ được bán, cổ phiếu HAX vẫn đi lên khá mạnh.
Cổ phiếu TMT của Công ty Cổ phần Ô tô TMT là mã đen đủi nhất của ngành khi “bất động”. Sau 1 năm giao dịch, TMT đứng im ở mức 5.470 đồng/CP. Giống như HHS, TMT cũng thấp hơn mệnh giá rất nhiều.
Tiếp tục được kỳ vọng
Dù đã tăng đáng kể trong năm 2020 nhưng cổ phiếu ngành ô tô vẫn được công ty chứng khoán Vndirect đặt nhiều niềm tin.
Vndirect dẫn số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Theo đó, tổng doanh số bán ô tô giảm 17% so với cùng kỳ xuống 204.144 xe trong 10 tháng đầu năm 2020 do tác động của Covid-19.
Tuy nhiên, doanh số bán ô tô đã dần được cải thiện kể từ tháng 7 do nhu cầu bị dồn nén sau khi Covid-19 được kiểm soát và quyết định của Chính phủ về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước kể từ 26/06/2020.
Do đó, doanh số bán xe trong quý 3/2020 tăng 43,2% so với quý trước, đạt 69,8 nghìn chiếc. Đáng chú ý, doanh số bán ô tô trong tháng 10/2020 ghi nhận mức cao nhất trong 21 tháng với 33.254 xe bán ra.
Do đó, Vndirect cho rằng sự sụt giảm doanh số bán xe hơi trong năm nay chỉ là một ngoại lệ do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh số bán của ngành ô tô đã tăng trưởng mạnh với mức 8,5% mỗi năm trong 5 năm qua.
Vndirect kỳ vọng tăng trưởng doanh số bán ô tô sẽ tăng tốc vào năm 2021, dựa trên những yếu tố: quy định mới của chính phủ sẽ thúc đẩy hơn nữa quyết định mua ô tô; nhu cầu mua xe vẫn tăng mạnh với sự phục hồi kinh tế cũng như sự tăng lên của tầng lớp trung lưu và tỷ lệ sở hữu ô tô hiện tại vẫn thấp tại Việt Nam. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng sức mua nhanh nhất trong vòng 5 năm qua nhưng tỷ lệ sở hữu ô tô trên đầu người vẫn thấp hơn nhiều so với hầu hết các thị trường khác ở châu Á. Dân số tầng lớp trung lưu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng nhanh trong thập kỷ tới và điều này sẽ thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu đối với tất cả các loại đồ tiêu dùng cao cấp.
“Chúng tôi dự báo rằng GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,0% trong 2021-2022 và nhu cầu về ô tô sẽ tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP”, Vndirect lạc quan về thị trường ô tô Việt Nam trong 2 năm tới đây.