Tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý an toàn giao thông đường bộ thông qua việc áp dụng TCVN ISO 39001:2014

(CL&CS)- Tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 thực sự là công cụ quan trọng giúp các tổ chức tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý an toàn giao thông đường bộ. Thúc đẩy triển khai áp dụng tiêu chuẩn này sẽ góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020.

An toàn giao thông đường bộ  (ATGTĐB ) là một vấn đề toàn cầu, không của riêng một quốc gia nào. Theo ISO đến năm 2012, hằng năm, có khoảng 1,3 triệu người chết và  20 đến 50 triệu người  bị thương trên đường bộ và các con số này ngày càng tăng lên tác động tiêu cực đối với kinh tế, xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

Thế giới bao năm qua đã phải chịu những rủi ro về an toàn giao thông , luôn tìm cách và đưa ra các giải pháp giảm thiểu và loại bỏ những rủi ro đó. Thực tế, Nhà nước không thể một mình làm giảm được tử vong và thương tật. Các tổ chức ở mọi loại hình và quy mô, cũng như từng người tham gia giao thông đường bộ đều có vai trò nhất định. Nhằm giúp các tổ chức giảm bớt và cuối cùng là loại bỏ rủi ro tử vong và thương tật nặng liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc  tế đã công bố  ISO 39001:2012 Quản lý ATGTĐB - Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng (Road traffic safety management systems - Requirements with guidance for use). Tiêu chuẩn này đã  được Việt Nam chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 39001:2014 (ISO 39001:2012).

Tiêu chuẩn  có thể áp dụng cho các tổ chức công, tư có tương tác với hệ thống giao thông đường bộ, có thể được sử dụng trong nội bộ, giữa các bên trong nội bộ và bên ngoài tổ chức, gồm cả các tổ chức chứng nhận. Tiêu chuẩn có thể áp dụng cho mọi tổ chức không phân biệt loại hình, quy mô, sản phẩm hay dịch vụ cung cấp, miễn là tổ chức  mong muốn  cải tiến kết quả thực hiện ATGTĐB, mong muốn  thiết lập, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý ATGTĐB, mong muốn  tự đảm bảo sự phù hợp với chính sách ATGTĐB đã tuyên bố và mong muốn  chứng tỏ sự phù hợp với tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, tiêu chuẩn hoàn toàn không  miễn trừ nghĩa vụ phải tuân thủ luật pháp và các hành vi ứng xử có trách nhiệm đối với người sử dụng đường bộ, mà còn giúp tổ chức thúc đẩy người sử dụng đường bộ tuân thủ luật pháp.

Tiêu chuẩn quy định các yêu cầu đối với hệ thống quản lý ATGTĐB , bao gồm việc xây dựng, áp dụng chính sách thích hợp về ATGTĐB, xây dựng mục tiêu và các kế hoạch hành động về ATGTĐB, có tính đến các yêu cầu pháp lý và yêu cầu khác tổ chức tự nguyện tuân thủ, thông tin về các yếu tố, chuẩn mực liên quan đến ATGTĐB được tổ chức nhận biết là có thể kiểm soát và có thể gây ảnh hưởng. Tiêu chuẩn không quy định các yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của các dịch vụ hay sản phẩm vận tải (ví dụ đường bộ, tín hiệu giao thông, biển báo, hệ thống chiếu sáng, các loại ô tô, xe điện, các dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa, dịch vụ ứng cứu và ứng phó tình huống khẩn cấp).

Hệ thống quản lý ATGTĐB được xây dựng trên cơ sở phương pháp luận PDCA  gồm 4 bước (Hoạch định - Thực hiện - Kiểm tra - Hành động), là phương pháp luận về cách tiếp cận theo quá trình đòi hỏi sự lãnh đạo và cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cao nhất. Mức độ, quy mô và trình tự thời gian của quá trình cải tiến liên tục này được tổ chức xác định dựa theo điều kiện kinh tế và những điều kiện khác của mình.

Bước 1: Hoạch định

­ Nhận biết các tác động của tổ chức tới hệ thống ATGTĐB , chỉ rõ tác động đó đối với các bên quan tâm, xác định phạm vi về mặt tổ chức của hệ thống quản lý ATGTĐB đề cập đến nhu cầu được nhận biết trong quá trình hoạch định.

­ Thiết lập cam kết của lãnh đạo thông qua tầm nhìn dài hạn, cùng các hành động khác, để loại bỏ tử vong và thương tật nặng thông qua việc nâng cao các chỉ tiêu ATGTĐB; thiết lập chiến lược hoặc cách tiếp cận để thực hiện những nội dung đó, cung cấp các nguồn lực để thiết lập, áp dụng, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý ATGTĐB hướng tới những mục tiêu xa hơn. Thiết lập, lập thành văn bản và thông tin về chính sách ATGTĐB, phân công vai trò, trách nhiệm và quyền hạn trong tổ chức.

­ Xác định các rủi ro và cơ hội từ việc đánh giá kết quả thực hiện hiện thời khi có thể, cân nhắc kỹ từng yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ATGTĐB , từ đó thiết lập các yếu tố có liên quan đến tổ chức, các yếu tố có ảnh hưởng quan trọng nhất đến việc cải tiến ATGTĐB . Thiết lập các mục tiêu ATGTĐB (đo được, nếu có thể), các chỉ tiêu đo được về ATGTĐB cho từng yếu tố ảnh hưởng đến kết quả cần ưu tiên thực hiện về ATGTĐB, có tính đến nhu cầu về năng lực quản lý, xây dựng các kế hoạch hành động.

Bước 2: Thực hiện

Áp dụng và vận hành hệ thống quản lý ATGTĐB, đảm bảo cung cấp nguồn lực đầy đủ cho việc triển khai các chức năng chủ yếu của hệ thống giúp tiến hành  được các hành động đã được xác định và đảm bảo rằng các mục tiêu, chỉ tiêu  ATGTĐB được đáp ứng.

Bước 3: Kiểm tra

Theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện ATGTĐB , tiến hành đánh giá nội bộ và định kỳ thực hiện xem xét của lãnh đạo về hệ thống quản lý ATGTĐB để nhận biết các cơ hội cải tiến, đạt được các kết quả ATGTĐB và những thay đổi cần thiết trong hệ thống quản lý ATGTĐB.

Bước 4: Hành động

Cải tiến hệ thống quản lý ATGTĐB một cách liên tục, theo dõi và đối chiếu kết quả thực hiện ATGTĐB với các mục tiêu và chỉ tiêu ATGTĐB, kết quả thực hiện hệ thống quản lý ATGTĐB, những khiếm khuyết và sự không phù hợp, xác định các hành động khắc phục, các cơ hội đối với hành động phòng ngừa nhằm giảm thiểu sự cố, giảm thiểu rủi ro gây tử vong hay thương tật nặng từ các vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Khi xây dựng hệ thống quản lý ATGTĐB, tổ chức cần xem xét bối cảnh ATGTĐB, phải hiểu nhu cầu và mong đợi của các bên quan tâm, cần xác định phạm vi áp dụng của hệ thống quản lý, cần có sự cam kết của lãnh đạo, cần triển khai chính sách ATGTĐB, cần xác định vai trò, trách nhiệm và quyền hạn trong tổ chức,…

Bối cảnh ATGTĐB có thể được mô tả qua mối tương tác giữa bốn thành phần chính là đường bộ, phương tiện trên đường, việc sử dụng đường bộ và phương tiện, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, chăm sóc chấn thương và điều trị hồi phục. Từng thành phần này phải được kiểm soát và đều bị ảnh hưởng bởi nhiều tổ chức mà mỗi tổ chức đều gây tác động rất lớn đến ATGTĐB . Ảnh hưởng của tổ chức đối với ATGTĐB phụ thuộc vào bản chất các dạng hoạt động, các dịch vụ, sản phẩm của tổ chức cũng như địa điểm hoặc các điều kiện mà tại địa điểm đó tổ chức tiến hành các hoạt động, phụ thuộc vào hiệu lực của hệ thống quản lý ATGTĐB của tổ chức. Một số tổ chức chỉ có một số ít các quá trình có liên quan tới những vấn đề về ATGTĐB song vẫn phải thấy rõ tầm quan trọng của việc giảm thiểu tử vong và thương tật nặng. Điều quan trọng là phải xác định được các nhu cầu và mức độ giao thông và mức độ rủi ro rõ ràng đối với những người sử dụng phương tiện. Phải lập các hồ sơ riêng mang tính nội bộ để ghi lại các vụ tại nạn giao thông đường bộ hoặc phàn nàn của các bên thứ ba. Những hồ sơ này phải ghi nhận những lần thoát nạn hoặc sự sai lệch so với các thủ tục đã được nêu ở dạng văn bản.

Phải hiểu nhu cầu và mong đợi của các bên quan tâm. Phần lớn các hoạt động và chức năng của tổ chức đều có thể được chính tổ chức kiểm soát. Tuy nhiên, việc giảm thiểu tử vong và thương tật nặng lại phụ thuộc vào sự kết hợp và tương tác của nhiều hoạt động trong một số tổ chức và của người sử dụng đường bộ. Do vậy, tổ chức cần xác định các bên quan tâm ở góc độ có thể gây ảnh hưởng của họ nhằm trao đổi thông tin, tư vấn và phối hợp với những người có liên quan nhất để hạn chế tử vong và thương tật nặng.

Cần xác định phạm vi áp dụng của hệ thống quản lý. Tổ chức có thể lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn  đối với toàn bộ tổ chức hay chỉ với một số đơn vị tác nghiệp cụ thể của tổ chức. Tổ chức cần xác định và lập thành văn bản phạm vi áp dụng hệ thống quản lý ATGTĐB của mình, trường hợp không áp dụng trong toàn bộ tổ chức thì phải nêu rõ các bộ phận của tổ chức sẽ áp dụng hệ thống quản lý ATGTĐB . Khi phạm vi áp dụng đã được xác định, mọi hoạt động, sản phẩm dịch vụ của tổ chức thuộc phạm vi đó đều cần được đưa vào hệ thống quản lý ATGTĐB và phải nêu rõ bằng văn bản mọi lý do khi có điểm loại trừ. Mức độ chi tiết, tin cậy của hệ thống quản lý ATGTĐB phụ thuộc vào việc có những bộ phận nào của tổ chức thuộc hệ thống quản lý ATGTĐB này và những lý do đã được nêu bằng văn bản về các điểm loại trừ.

Cần có sự cam kết của lãnh đạo. Sự cam kết được công bố rõ ràng của cấp lãnh đạo cao nhất là yếu tố mang tính nguyên tắc cho sự thành công của việc quản lý ATGTĐB, bởi vì điều này tạo thuận lợi cho việc cân nhắc nhiệm vụ mà việc quản lý ATGTĐB phải thực hiện một cách đầy đủ xuyên suốt hoạt động của các cấp lãnh đạo thấp hơn (ví dụ việc triển khai các chỉ dẫn an toàn hay những yêu cầu về đào tạo an toàn), hoặc việc ứng phó một cách nhanh chóng đối với những sự cố chứ không chỉ theo dõi việc giảm thiểu tử vong hay các thương tật nặng.

Cần triển khai chính sách ATGTĐB . Chính sách ATGTĐB tạo cơ chế để đặt ra các mục tiêu và các chỉ tiêu ATGTĐB, nhằm hướng dẫn thực hiện và cải tiến hệ thống quản lý ATGTĐB của tổ chức, để tổ chức đó có thể liên tục cải tiến kết quả thực hiện ATGTĐB của mình. Nếu thực hành tốt, chính sách này phản ánh cam kết của lãnh đạo cao nhất về việc giảm thiểu số lượng tử vong và thương tật nặng, đáp ứng các yêu cầu luật định và các yêu cầu khác và cải tiến liên tục. Chính sách ATGTĐB cũng phải rõ ràng, dễ hiểu đối với các bên liên quan trong và ngoài tổ chức, được đánh giá tổng kết định kỳ để phản ánh những điều kiện và thông tin thay đổi và có phạm vi riêng biệt có thể xác định rõ ràng, phản ánh đầy đủ những hoàn cảnh riêng biệt của tổ chức.

Cần xác định vai trò, trách nhiệm và quyền hạn trong tổ chức. Việc thực hiện thành công hệ thống quản lý ATGTĐB đòi hỏi phải tạo lập được nguồn nhân lực có năng lực, có khả năng và tinh thần trách nhiệm để cung cấp cho các bộ phận quản lý chức năng và các quá trình cần thiết có thể đem lại kết quả mong muốn về ATGTĐB. Ban lãnh đạo cao nhất cần bổ nhiệm một hoặc nhiều đại diện lãnh đạo với trách nhiệm và quyền hạn được xác định để thực hiện hệ thống quản lý ATGTĐB . Điều quan trọng là vai trò và trách nhiệm chủ yếu của hệ thống quản lý ATGTĐB được xác định rõ và được thông báo tới tất cả những người đang làm việc cho tổ chức và với danh nghĩa của tổ chức.

Say đây là một số ví dụ  minh họa bối cảnh ATGTĐB khác nhau đối với một số loại hình tổ chức khác nhau và các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ATGTĐB có thể liên quan nhiều nhất. Nhận diện được bối cảnh và các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ATGTĐB là yếu tố quan trọng của tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 (ISO 39001:2012).

Công ty tắc xi nhỏ vận chuyển người và hàng hóa:

Hoạt động chính về vận chuyển người có ảnh hưởng trực tiếp đối với sự an toàn của các nhân viên, khách hàng và những người sử dụng đường bộ khác. Các bên quan tâm mà công ty cần tư vấn bao gồm cả khách hàng (ví dụ liên quan đến việc sử dụng dây an toàn), với các lái xe (liên quan đến tốc độ) và với những ai có liên quan đến việc mua xe (liên quan đến việc chọn loại xe an toàn) hoặc việc bảo dưỡng (để đảm bảo tính an toàn được duy trì). Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ATGTĐB đối với Công ty tắc xi có thể bao gồm: Việc lái xe bị tổn thương (như mệt mỏi, uống rượu hay dùng ma túy), vận tốc lái, việc lái xe và hành khách sử dụng dây an toàn, việc lựa chọn và bảo quản xe, lập kế hoạch chuyến đi. Các công cụ để giám sát có thể liên quan trạng thái phù hợp của dây an toàn, giấy phép lái xe.

Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển người và hàng hóa

Hoạt động của các loại xe vận chuyển thương mại trên hệ thống giao thông đường bộ toàn thế giới đã làm cho số vụ tử vong đường bộ tăng cao khó lường. Vì lý do đó, những đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển đường bộ phải có trách nhiệm ATGTĐB đối với các nhân viên của mình, với các bên thứ ba mà họ có mối quan hệ hợp đồng cũng như đối với cộng đồng rộng lớn mà trong đó họ tác nghiệp. Họ cũng phải có trách nhiệm đối với các khách hàng của mình để đảm bảo an toàn vận chuyển với hàng hóa. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ATGTĐB sẽ bao gồm: Việc lựa chọn lái xe, cách quản lý và động viên để họ có kỹ năng và hành vi ứng xử thích hợp, cụ thể là đối với việc kiểm soát tốc độ và sự phù hợp của lái xe. Việc lựa chọn và sử dụng phương tiện phù hợp nhất với công việc, được thiết kế và trang bị nhằm làm giảm rủi ro tai nạn giao thông đường bộ, rủi ro gây tử vong hay thương tật nặng cho người ngồi trên xe và những người sử dụng đường bộ khác, được kiểm tra và bảo dưỡng thích hợp để đảm bảo an toàn cho đường xá. Cần quản lý thích hợp tải trọng để đảm bảo không bị quá tải và an toàn cho hàng hóa. Hoạch định hành trình an toàn nhằm đảm bảo các lộ trình, tốc độ và thời gian làm việc thích hợp nhất. Phải tính đến những người sử dụng đường bộ khác trong mạng lưới đường bộ và tình huống có sự cố giao thông, sự chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp.

Vận chuyển người và hàng hóa/ Một tổ chức bán hàng và maketing đa quốc gia:

Điều hành hoạt động tại các công ty vận tải là hoạt động có tính rủi ro cao nhất trong các công ty đa quốc gia trải dài theo các khu vực hoặc mang tính toàn cầu. Nhân viên bán hàng, dịch vụ và các lái xe khác có thể phải dùng từ 40 % đến 60 % thời gian của họ để thực hiện các hoạt động của công ty trên các phương tiện của chính công ty, phương tiện được thuê, mượn hoặc các loại phương tiện khác. Vì vậy, các công ty có bổn phận đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho các nhân viên và cộng đồng trong các khu vực mà họ hoạt động. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ATGTĐB sẽ bao gồm: Hiểu biết những rủi ro liên quan an toàn trong đội xe của họ, ví dụ rủi ro gây tử vong và bị thương, hình thức kiểm soát thích hợp cho phép các loại phương tiện hay lái xe được tham gia hay bị cấm tham gia mạng lưới đường bộ cụ thể; các chính sách liên quan đến kiểm soát tốc độ, uống rượu, sử dụng dây an toàn, mũ bảo hiểm, thể trạng sức khỏe và sự sao nhãng của lái xe, việc lựa chọn, bảo quản xe; lập kế hoạch chuyến đi; việc quản lý ATGTĐB đối với các nhà thầu phụ, các nhà phân phối cũng như hợp tác mang tính trách nhiệm xã hội thông qua việc tham gia ủng hộ và hỗ trợ ATGTĐB của các tổ chức tự lập về an toàn đường bộ cộng đồng.

Phát sinh nhu cầu giao thông/ Ví dụ một trường học:

ATGTĐB không phải là những hoạt động chính của một trường học, tuy nhiên hàng ngày có rất nhiều chuyến xe đến và đi mà những người sử dụng thường không có ý thức xét theo cả mức độ trưởng thành và khả năng bị tai nạn. Bị thương do giao thông đường bộ thường là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong của trẻ em tuổi học đường. Các bên liên quan đối với trường học bao gồm các cán bộ, nhân viên, sinh viên, các bậc phụ huynh, những người thực hiện việc chuyên chở, người lập kế hoạch hoặc phụ trách giao thông địa phương (những người cần được xét phải thuộc vào các chương trình cải tiến tình trạng an toàn giao thông). Các yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ATGTĐB đối với một trường học sẽ bao gồm những mô hình khác nhau về cách vận chuyển đi và đến trường, các tuyến xe của trường, lập kế hoạch chuyến đi an toàn cho các tuyến đó, quy định tuân thủ những ràng buộc thích hợp (như mũ bảo hiểm, dây an toàn), các công cụ hỗ trợ việc nhận diện (quần áo có phản quang, ánh sáng.v.v).

Phát sinh nhu cầu giao thông/ Ví dụ một siêu thị;

Hoạt động chính là vận chuyển hàng hóa, bao gồm hàng hóa nguy hiểm (như nhiên liệu), việc vận chuyển hàng hóa tới nhà cho khách hàng hay  tới các siêu thị đều có ảnh hưởng đến an toàn đường bộ. Một siêu thị lớn phải xem những yếu tố an toàn  gây ảnh hưởng đến nhân viên và khách hàng của mình và chính các nhân viên và khách hàng cũng gây ảnh hưởng đến siêu thị đó. Ở đây, các bên quan tâm là các bên liên quan việc lập kế hoạch và các tổ chức được ủy quyền, các công ty cung cấp hàng hóa. Với siêu thị lớn, phải đặc biệt cân nhắc ảnh hưởng do địa điểm của nó có thể gây ra đối với sự an toàn của khu vực lân cận, cân nhắc mọi yếu tố có thể đóng góp cho môi trường an toàn đối với khách hàng của nó cả trong khu vực siêu thị đó có bố trí bãi đỗ xe (nơi sử dụng lẫn lộn giữa khách bộ hành, trẻ em và các loại xe có động cơ lớn và bé), bố trí các khu vực đệm để bắt đầu đi vào hoặc tách khỏi tuyến giao thông đường bộ. Trường hợp này có một số yếu tố ATGTĐB liên quan như lập kế hoạch, thiết kế, điều hành và sử dụng an toàn cơ sở hạ tầng thuộc trách nhiệm của siêu thị, việc sử dụng trang bị an toàn cá nhân của các lái xe của siêu thị, kiểm soát tốc độ và chọn loại xe để chuyên chở.

Thiết kế và vận hành đường bộ/ Cơ quan quản lý đường bộ:

Hoạt động chính để tạo ra mạng lưới đường bộ gây tác động trực tiếp đối với sự an toàn của tất cả những người sử dụng hệ thống này. Các bên quan tâm đối với một tổ chức có thẩm quyền về quản lý đường bộ địa phương bao gồm các đơn vị thực hiện việc thiết kế kỹ thuật và các dịch vụ khai thác, vận hành hệ thống này (những người có khả năng tạo ra các mức đòi hỏi về tính an toàn), những nhóm người sử dụng chính (những người phải chấp nhận các yêu cầu đối với việc sử dụng an toàn), các cơ quan thúc đẩy việc thực thi (những người phải thúc đẩy người sử dụng/phải xây dựng các tiêu chuẩn về xe cộ, thiết lập các ràng buộc đối với tính an toàn tất yếu vốn có của một mạng đường bộ). Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện ATGTĐB đối với một tổ chức có thẩm quyền quản lý đường bộ sẽ bao gồm: Tất cả các lĩnh vực công việc như lập kế hoạch, thiết kế, vận hành và sử dụng an toàn mạng đường bộ này. Những công việc này có thể bao gồm các yếu tố liên quan mức độ bảo vệ các vụ va quệt, các vụ xe đâm nhau hay các trường hợp người sử dụng dễ bị chấn thương, nêu các mức giới hạn tương ứng về tốc độ cũng như việc người sử dụng phải tuân thủ các quy định đó.

Tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 thực sự là công cụ quan trọng giúp các tổ chức tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý an toàn giao thông đường bộ. Theo thống kê của ISO năm 2019, trên thế giới có gần hai nghìn tổ chức áp dụng thành công và được cấp giấy chứng nhận. Ở Việt Nam cũng đã triển khai áp dụng tiêu chuẩn này. Trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” có nhiệm vụ “Thúc đẩy áp dụng Hệ thống quản lý ATGTĐB theo tiêu chuẩn TCVN ISO 39001:2014 vào các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam”. Thúc đẩy triển khai áp dụng tiêu chuẩn này sẽ góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai  đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020./.

TIN LIÊN QUAN